Nhân vật lịch sử hy hữu từ “phạm nhân” trở thành đại tướng quân

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 11:24, 12/08/2023

Đó là Đinh Văn Tả, danh tướng đời Lê, quê làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng (nay là Hàn Giang, phường Quang Trung, TP Hải Dương).


Di tích đình Đinh Văn Tả trong cụm di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả ở phường Quang Trung (TP Hải Dương)

Trổ tài thiện xạ

Cụm di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) nơi phụng thờ ông đã được cấp bằng công nhận khu di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1993. Hiện khu di tích còn 15 tấm bia nói về Đinh tướng công, trong đó có 7 tấm khắc dựng từ khi tướng công còn sống. Tác giả biên soạn những văn bia này phần lớn là các vị đại Nho đương thời.

Đinh Văn Tả sinh ngày 26.11 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Quang Hưng thứ 2 (1599). Thân phụ là Đinh Văn Phú, có công dẹp nhà Mạc, được phong Hùng quận công. Thân mẫu là Nguyễn Thị Năng, nổi tiếng là người hiền hoà, nhân hậu, sinh thời được tôn là hiền mẫu. Chưa đầy 2 tuổi, Đinh Văn Tả mồ côi cha, được mẹ đưa về Hàn Giang nuôi dạy cho đến lúc trưởng thành.

Cuộc đời của tướng công Đinh Văn Tả gắn liền với các chiến công quân sự đánh dẹp các cát cứ của nhà Nguyễn ở đàng trong và nhà Mạc ở đàng ngoài, sự phản loạn của một số quần thần trong triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Với 74 lần ra trận, tên tuổi của ông được ghi trong sử sách và lưu danh trong dân gian.

Điều thú vị, theo sử sách, Đinh Văn Tả từ một phạm nhân bị quản thúc với tài văn võ của mình đã được triều đình trọng dụng, trở thành đại tướng quân. Các câu chuyện về tướng quân Đinh Văn Tả được lưu truyền đầy ly kỳ, hấp dẫn. Trong sách “Tang thương ngẫu lục” do đôi bạn thân là Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cùng hợp soạn vào khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 có đoạn viết về Đinh Văn Tả như sau: Vào thời Lê Trung Hưng, ở làng Hàm Giang, tỉnh Hải Dương có người tên là Đinh Văn Tả, sức vóc mạnh mẽ, tính khí hung hăng. Lúc còn nhỏ, ông thường chơi bời với lũ côn quang và được chúng bầu lên làm anh cả.

Cạnh làng có một con sông to rộng hơn một dặm, ngày ngày, ông thường cùng đám bạn ra tắm. Một hôm, khi nghe bên kia sông có tiếng chiêng, trống tế thần, ông cùng đám bạn đố nhau bơi được qua sông sang ăn trộm cái chiêng của làng kia đem về. Ngay sau đó, Đinh Văn Tả lội xuống sông bơi sang bên kia, lẻn vào đình và lấy trộm được cái chiêng đem ra rồi lại xuống sông bơi về. Khi ra đến giữa dòng sông, ông còn khua chiêng vang cả khúc sông, khi ấy làng bên kia mới biết là mất trộm chiêng và tìm thuyền đuổi theo nhưng không kịp.

Về sau, vì phạm tội bị bắt quả tang nên Đinh Văn Tả bị bắt giam trong ngục Đông Môn. Khi ấy, triều đình đương có việc dụng binh, chúa Trịnh sai các tướng võ tập bắn ở lầu Ngũ Long. Đinh Văn Tả và tên lính canh ngục đứng xem thấy không mấy người bắn trúng bia nên ông cười mà nói rằng: “Bia rành rành thế kia mà bắn không trúng, sao mà họ hèn kém vậy?”. Các tướng đứng bắn nghe tiếng giận lắm, đưa súng cho Văn Tả và bảo rằng: “Mi nói khoác làm gì thế, súng đây, mi thử bắn đi này!”. Đinh Văn Tả dùng súng bắn ba phát làm vỡ ba cái bia. Những người chứng kiến ai cũng chịu ông là người có tài. Sau đó, những người lính lại sai ông bắn thử lần nữa xem sao và lần này ông cũng bắn phát nào trúng phát ấy. Việc ấy đến tai chúa Trịnh, chúa đã tha tội, rồi cho theo đánh giặc. Về sau, ông lại lập được nhiều chiến công và được chúa Trịnh phong cho làm Quận công. Nhưng Đinh Văn Tả đã nộp trả bằng sắc không nhận, chỉ xin được rút tên trong sổ án nhưng chúa Trịnh cũng cứ phong cho.


Hằng năm, từ mùng 7 - 9.3 âm lịch, tại cụm di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả, nhân dân mở lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn của tướng quân Đinh Văn Tả

Được phong Phúc thần và lập sinh từ khi còn sống

Sự nghiệp của danh tướng Đinh Văn Tả được chính sử, rồi bia ký, gia phả ghi khá đầy đủ, thậm chí đến từng chi tiết trong đời thường. Sự kiện mà sử liệu bàn khá nhiều là việc ông được phong phúc thần và lập sinh từ khi còn sống. Chuyện kể, đến năm ông 80 tuổi và bị bệnh nặng, chúa Trịnh đích thân đến tận nhà hỏi thăm và nói rằng: “Như ngươi thì trong bụng còn muốn ao ước điều gì nữa không?”. Nghe vậy, Đinh Văn Tả thưa rằng: “Tôi nhờ ơn nhà chúa, làm vinh hiển đến thế này; mà lại được thọ đến 80 tuổi thì trong bụng cũng đã mãn nguyện rồi; nhưng chỉ còn ao ước một chút, giá thử đang lúc tôi chưa chết, mà chúa phong cho tôi làm Phúc thần, thì tôi nhắm mắt cũng không còn điều gì hối hận nữa”. Lúc đó, chúa Trịnh lập tức sai người thảo sắc phong cho ông là Phúc thần thành hoàng làng ngay bên giường bệnh. Năm Đinh Tỵ (1677) vua cho lập sinh từ thờ Đinh Văn Tả tại quê làng Hàm Giang và sinh phong thành hoàng bản thổ, Thượng đẳng Đại vương, ban 300 mẫu ruộng làm lộc điền, chia cấp cho dân cày cấy. Đây là trường hợp hiếm có dưới triều đại phong kiến vì thời Trần, sau kháng chiến chống Nguyễn, chỉ có Trần Hưng Đạo được triều đình cho lập đền thờ khi còn đang sống.

Ngày 4.5 năm Ất Sửu niên hiệu Chính Hoà (1685), ông mất, thọ 87 tuổi.

Về sau con cháu ông nối nhau làm tướng, cầm quân, đánh giặc nổi tiếng. Dân gian có câu: "Quan làng Lặc (Ngọc Lặc), đánh giặc làng Hàm (Hàn Thượng)" là tán dương chi họ ông. Ngoài cụm di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả, TP Hải Dương cũng có một đường phố mang tên Đinh Văn Tả.

NGỌC HÙNG