Mỹ có thể thử tên lửa siêu vượt âm ở Australia theo hiệp ước AUKUS
Tin tức - Ngày đăng : 08:06, 10/08/2023
Đài RT (Nga) dẫn tuyên bố của bà Wormuth trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP: “Một thứ mà Australia có lợi thế chính là khoảng cách xa và lãnh thổ tương đối thưa dân cư. Trong khi đó, khi nói đến vũ khí siêu vượt âm, thách thức đối với Mỹ là tìm ra những không gian rộng mở, nơi chúng ta thực sự có thể thử nghiệm loại vũ khí này”.
Bà Wormuth nhận định rõ ràng rằng Australia có lãnh thổ rộng lớn giúp các cuộc thử nghiệm vũ khí này khả thi hơn.
Năm 2021, Mỹ, Anh và Australia đã ký Hiệp ước an ninh AUKUS. Theo đó, 3 cường quốc này đã đồng ý hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân và phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Về phần mình, Trung Quốc coi liên minh này là một mối đe dọa rõ ràng. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cảnh báo việc thiết lập các liên minh quân sự “giống như NATO” ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ đẩy khu vực này vào vòng xoáy xung đột và đối đầu. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện, không phải là kết thân theo nhóm nhỏ.
Năm 2022, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng đánh giá: “Nếu xét về vị thế, mục tiêu và các nhiệm vụ, các liên minh kiểu này không thể mang lại nền tảng đảm bảo an ninh toàn diện. Rất khó có khả năng phát triển thành một nền tảng lớn để đảm bảo ổn định và an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn như vậy”.
Hiện chưa rõ Mỹ dự định thử nghiệm loại vũ khí nào ở Australia. Lầu Năm Góc vẫn đang phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm khác nhau. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc được đánh giá là đi đầu trong cuộc chạy đua công nghệ vũ khí mới nổi này.
Nga đã sử dụng tên lửa Kinzhal trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nước này cũng từng triển khai các phương tiện tàu lượn tầm chiến lược Avangard từ năm 2019 và tên lửa hành trình chống hạm Zircon vào năm ngoái.
Mỹ coi Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ siêu vượt âm. Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) đặc biệt lo ngại về tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 của Bắc Kinh. Vào tháng 3, nhà khoa học trưởng của DIA, ông Paul Freisthler, tuyên bố trọng tải siêu vượt âm của tên lửa này có thể dễ dàng “tiếp cận các lực lượng quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Cuộc cạnh tranh giành ưu thế siêu vượt âm không phải là cuộc chạy đua vũ trang đầu tiên mà Australia được sử dụng làm bãi thử. Vương quốc Anh đã tiến hành 12 vụ thử vũ khí hạt nhân ở Australia từ năm 1952 đến năm 1958, và hơn 20 vụ nổ chất phóng xạ nhỏ hơn. Theo Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, phần lớn người Australia phản đối các cuộc thử nghiệm này, vì nó gây ra hàng loạt căn bệnh và cả nguy cơ tử vong cho các cộng đồng bản địa gần đó và công nhân trong khu vực.
Theo Báo Tin tức