Người không học đại học đi đâu?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 10/08/2023
Một phần nhỏ trong số này được gia đình đăng ký cho học tại các trường đại học quốc tế hoặc các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Một số khác ra nước ngoài du học thật và một số nữa chọn con đường học nghề do cảm thấy phù hợp với bản thân.
Còn lại một phần lớn thuộc diện không thể học đại học vì không đủ sức chi trả học phí. Không ít trong số này có năng khiếu, kỹ năng nghề nghiệp mà nếu được rèn giũa một cách thích hợp có thể sẽ trở thành những người thợ, kỹ thuật viên giỏi đủ sức kiếm sống bằng sức lao động của mình. Có thể xếp các em vào nhóm người yếu thế, cần sự hỗ trợ của nhà chức trách, cộng đồng để có thể thực hiện kế hoạch lập thân, lập nghiệp.
Việc đào tạo nghề được gọi là có chất lượng một khi đáp ứng được hai tiêu chí: nghề được đào tạo phải là nghề thật sự hiện hữu và đang hút lao động; cơ sở đào tạo nghề phải được trang bị tốt và có đội ngũ giáo viên dạy nghề tinh thông, tận tụy. Nhà nước, thông qua cơ quan chức năng, cần chủ động thực hiện nghiên cứu nghiêm túc về các xu hướng nghề nghiệp thịnh hành, từ đó định hình việc đào tạo nghề cho phù hợp.
Dựa vào sự định hình đó, Nhà nước khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên rà soát các chương trình đào tạo, từ đó có biện pháp cải cách hệ thống đào tạo thích hợp: sửa đổi chương trình đang vận hành theo các đòi hỏi mới của nghề nghiệp; đóng cửa các chương trình không còn triển vọng nghề nghiệp; xây dựng các chương trình mới tương ứng với các nghề mới xuất hiện.
Để kích thích các cơ sở đào tạo nghề nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống đào tạo, có thể cân nhắc lập một quỹ tài trợ đào tạo nghề và kêu gọi các cơ sở đào tạo nghề lập các đề án cách tân theo các tiêu chí cụ thể và cam kết sử dụng tài trợ thực hiện đúng đề án được phê duyệt. Tiêu chí số 1 là: học nghề để ra làm nghề chứ không phải chỉ để biết hay để học tiếp.
Đối với người học nghề, Nhà nước có thể thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi và các điều kiện hoàn trả khả thi để người học có thể trang trải chi phí học tập và trả nợ vay sau khi tốt nghiệp, có việc làm mà không phải chịu áp lực lớn.
Một bộ phận không nhỏ những người cần được dạy nghề sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Không thể phủ nhận thách thức đối với cơ sở đào tạo nghề, nhất là cơ sở đào tạo nghề tư nhân, khi tham gia khai thác thị phần đào tạo này: chi phí đầu tư có thể cao do phải đặt cơ sở đào tạo tại những nơi hẻo lánh; khả năng chi trả của người học ở nông thôn, vùng sâu vùng xa yếu hơn so với người học ở thành thị; chất lượng đầu vào của người học thấp, do đó cần thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy đặc thù mới có thể đạt được chuẩn đầu ra.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để các cơ sở đào tạo nghề mạnh dạn dấn thân thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người học đặc biệt này. Cần tổ chức liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để người học được bảo đảm có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Về phần mình, người học nghề phải cam kết làm việc tại doanh nghiệp liên kết được chỉ định trong khoảng thời gian tối thiểu, gọi là thời gian nghĩa vụ, trước khi được tự do tìm kiếm việc làm.
Theo Tuổi trẻ