Thí điểm phổ cập mầm non với trẻ từ 3 tuổi
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:00, 08/08/2023
Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu tháng 8 lấy ý kiến việc thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi 3-4; 4-5 tại 15 địa phương. Đó là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay việc này nhằm bảo đảm thực hiện Luật trẻ em và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký cam kết; nâng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mẫu giáo khi phổ cập.
Trẻ 3, 4 tuổi học công lập được hỗ trợ ăn trưa 360.000 đồng
Việc thí điểm sẽ được áp dụng với cả khu vực công lập và tư thục. Với tư thục, các đơn vị thực hiện được bố trí đủ quỹ đất để xây dựng trường lớp, các công trình phụ trợ, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chăm sóc trẻ được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 5-10% trong 15-20 năm, miễn thuế thu nhập trong 5 năm và giảm 50% thuế trong 10 năm tiếp theo.
Với công lập, giáo viên mầm non theo chương trình thí điểm được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng một tháng, trong 9 tháng, được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm theo chương trình của Bộ.
Trong khi đó, trẻ 3-4, 4-5 tuổi ở trường công lập được miễn học phí, được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu 360.000 đồng và chi phí học tập 160.000 đồng mỗi tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng một năm.
Theo dự thảo, kinh phí để thực hiện gồm ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Việc thí điểm được thực hiện trong 5 năm. Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay.
Phổ cập giáo dục là việc tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định. Hiện, ở bậc mầm non, nhà nước phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Từ năm 2017, tất cả địa phương đã hoàn thành việc này và duy trì đến nay, huy động được 90-95% trẻ 5 tuổi đến trường; đảm bảo cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, đồ chơi, giáo viên để thực hiện chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Bộ đánh giá nhờ vậy tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1.
Tuy nhiên, thiếu giáo viên đang là áp lực lớn ở bậc học này, ước tính số thiếu khoảng 50.000, chiếm gần một nửa tổng số giáo viên còn thiếu của cả nước.
Theo VnExpress