Những ngọn sóng tỏa hương - Khúc tráng ca bất diệt

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:21, 06/08/2023

Bài thơ "Những ngọn sóng tỏa hương" của Trần Mai Hường được tác giả sáng tác ngay trong chuyến đi thăm Trường Sa (5.2012), khi chị được tham gia lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.

Những ngọn sóng tỏa hương

(Kính dâng anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh
trong trận Gạc Ma 1988)

Một sớm qua Gạc Ma
Lật sóng tìm quá khứ
Thềm lục địa đây rồi
Ngày Trường Sa bầm đỏ

Nỗi đau nào khép cửa
Nỗi đau nào cài then
Ngọn gió thiêng vuốt biển
Biển cúi mình trang nghiêm

Khói nhang trùm mộ sóng
Đặc quánh những tầng buồn
Tiếng vọng từ sâu thẳm
Se thắt lòng đại dương

Với anh - người chiến sĩ
Tổ quốc giữa tim mình
Tượng đài là lũy thép
Của tấm lòng kiên trung

Nơi các anh ngã xuống
Máu đỏ thắm san hô
Anh linh hòa sóng biếc
Mãi tỏa hương từng giờ.

TRẦN MAI HƯỜNG

Biển đảo luôn là đề tài có sức hút với các loại hình văn học nghệ thuật. Có không ít tác phẩm đã thành công, để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Một trong các tác phẩm đó là bài thơ "Những ngọn sóng tỏa hương" của Trần Mai Hường. Bài thơ được tác giả sáng tác ngay trong chuyến đi thăm Trường Sa (5.2012), khi chị được tham gia lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Bài thơ cũng được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài “Mộ sóng” làm xúc động bao người.

Trong "Những ngọn sóng tỏa hương", nhà thơ không trực tiếp viết về tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, mà viết về nỗi đau “Đặc quánh những tầng buồn”- ngày “Trường Sa bầm đỏ”. Đó là ngày 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Sự hy sinh của các anh mãi mãi là vòng tròn bất tử trong lòng dân tộc và trong lòng mỗi người dân đất Việt. Và như vậy, hình tượng người chiến sĩ quả cảm, kiên trung vẫn hiện lên sừng sững như một “tượng đài lũy thép”.

 Bài thơ được viết bằng cảm xúc chân thành, tha thiết và lòng khâm phục, biết ơn sâu sắc những người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, nên dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, Trần Mai Hường rất biết diễn tả tình cảm, cảm xúc bằng cách dùng từ khác lạ, độc đáo, vừa chuyển tải được điều muốn nói, vừa đem đến cho độc giả sự kết nối, đồng sáng tạo. Cách dùng từ “lật sóng” để nói về một sự kiện đã qua, hay từ “bầm đỏ” để nói về sự đau thương là cách nói sáng tạo đầy ấn tượng. Hơn nữa, tác giả đặc tả nỗi đau bằng hình ảnh: “Khói nhang trùm mộ sóng/ Đặc quánh những tầng buồn” là những hình ảnh rất đắt, giàu sức gợi, nhưng vẫn rất cụ thể, tưởng không nỗi đau nào đau hơn, không nỗi buồn nào buồn hơn. Qua câu “Tiếng vọng từ sâu thẳm/ Se thắt lòng đại dương”, bạn đọc như nghe được lời đồng vọng đau thương từ quá khứ, nhắn nhủ những người đang sống về tinh thần đoàn kết, truyền thống hào hùng của dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người với Tổ quốc, nhân dân. Sự hy sinh của những chiến sĩ hải quân trên đảo Gạc Ma đã dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm công dân. Nhà thơ viết về họ bằng lời lẽ giản dị, tự nhiên, không hề lên gân, nhưng chính vì thế mà chân dung của họ hiện lên vừa cao cả vừa gần gũi, bởi vì: “Với anh- người chiến sĩ/ Tổ quốc giữa tim mình/ Tượng đài là lũy thép/ Của tấm lòng kiên trung”. Chính ý thức trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước đã tạc lên những “Tượng đài lũy thép” bất tử. Sự hy sinh của họ mãi mãi được khắc ghi, được nhắc nhớ. Sóng biển và thời gian có thể xóa nhòa những dấu vết, nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người con kiên trung ấy. Máu của họ đã hòa vào sóng biếc đỏ thắm san hô… Tinh thần, ý chí, sự dũng cảm, hiên ngang, bất khuất của họ đã, đang và mãi mãi tỏa hương từng phút, từng giờ, cho đến tận mai sau.

Với hồn thơ đa cảm, giọng điệu chân thành, da diết mang dáng dấp sử thi, bằng nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ (nhân hóa, ẩn dụ, so sánh…), qua “Những ngọn sóng tỏa hương”, Trần Mai Hường đã viết nên một khúc tráng ca đẹp đẽ về tinh thần quả cảm của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Tuy anh linh của họ đã hòa vào sóng nước, nhưng tinh thần, ý chí và sự dũng cảm của họ mãi được khắc ghi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam và trong lịch sử dân tộc. Đứng trước “tượng đài bất tử”, không chỉ nhà thơ, mà bất cứ ai cũng đều thấy mình phải có trách nhiệm với từng tấc đất, tấc biển mà các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Bài thơ tuy viết về một sự kiện buồn nhưng không bi lụy mà mang tính chất bi tráng, có sức lan tỏa... Vì vậy, nó có sự kết nối quá khứ với hiện tại; nhắc nhớ chúng ta về lòng biết ơn và ý thức, trách nhiệm của mỗi người với quê hương, đất nước…Và như thế, "Những ngọn sóng tỏa hương" đã thực sự tỏa hương trong không gian, thời gian và trong lòng người…

NGUYỄN THỊ BÌNH