Một quốc gia ngắt Internet di động
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 06/08/2023
Trong nhiều năm, các chính phủ trên thế giới đã chỉ trích mạng xã hội "tiếp tay" cho việc truyền bá thông tin sai sự thật và kích động bạo lực. Đầu tuần qua, chính phủ Senegal đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên tất cả nhà mạng. Tiếp sau đó là lệnh cắt toàn bộ Internet trên thiết bị di động. Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Senegal Moussa Bocar Thiam rằng động thái của nước này nhằm hạn chế thông tin sai lệch của thế lực gây bất ổn cho đất nước.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, điện thoại thông minh và kết nối di động là phương tiện truy cập Internet duy nhất của nhiều người, thay cho máy tính và mạng cố định. Do đó, quyết định của Senegal ngay lập tức tác động đến cuộc sống người dân. Hầu hết dịch vụ thanh toán di động không được thực hiện.
Maimouna Sow, sống tại Senegal, cho biết cô đến chợ mua đồ cho khách nhưng bất ngờ mất kết nối. "Tôi đứng giữa chợ và không thể nhắn tin với khách hàng", Sow nói. Cô thậm chí không thể thanh toán hóa đơn trong tiệm tạp hóa, trả tiền đổ xăng bằng ví điện tử như trước. Những người xung quanh đang đổ xô đến các cây ATM để rút tiền mặt.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, mạng xã hội như TikTok, WhatsApp vốn là nơi cập nhật thông tin nhanh nhất ở khu vực này. Nhưng giờ đây, những người thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội thấy mình như lạc khỏi đám đông.
TikTok và các mạng xã hội khác không đưa ra bình luận.
Bridget Andere, cố vấn chính sách cấp cao của Access Now - tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền kỹ thuật số của cộng đồng, cho biết: "Truy cập thông tin trong thời kỳ khủng hoảng và bất ổn chính trị là vấn đề sinh tử. Đây cũng là sinh kế và nguồn thu nhập của người dân. Việc cắt Internet cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước".
Một giám đốc điều hành tại một hãng viễn thông ở Senegal cho biết chính phủ ra lệnh cho các công ty ngừng dịch vụ Internet và TikTok từ 8 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau. Các nhà khai thác đang yêu cầu Bộ Truyền thông Senegal làm rõ khi nào lệnh sẽ được dỡ bỏ.
Senegal không phải quốc gia đầu tiên cắt Internet. Trước đó, chính phủ Ethiopia đã hạn chế quyền truy cập vào một số trang web và Internet trong nhiều năm do những bất ổn trong nước. Đêm trước cuộc bầu cử tổng thống của Uganda năm 2021, Internet đã bị chặn. Iran từng dựng hàng rào lửa vào các trang web khi giá nhiên liệu tăng vọt năm 2019.
Báo cáo năm 2022 của Top10VPN, trang web chuyên theo dõi dữ liệu Internet có trụ sở tại London, cho thấy các lệnh cấm Internet gây thiệt hại 261 triệu USD trên khắp châu Phi, ảnh hưởng đến 132,2 triệu người dùng trong khu vực. Trong khi đó, chính phủ Senegal khẳng định thiệt hại từ việc đóng Internet nhỏ hơn nhiều so với ảnh hưởng về người do các cuộc biểu tình bạo lực gây ra.
Theo VnExpress