Vết thương của ông

Các em viết - Ngày đăng : 08:18, 06/08/2023

Khỏi rồi! Khỏi rồi! Cứ đông vui như này thì làm gì còn vết thương nào nữa!



Sáng sáng, chiều chiều, cái loa truyền thanh ngay cột điện trước nhà tôi oang oang, rộn ràng. Không có cái loa ấy thì xóm tôi cũng yên tĩnh đến buồn thiu ấy chứ. Vì người lớn thì bận đi làm cả ngày, trẻ con thì đến lớp đến trường. Ở nhà chỉ còn toàn các ông bà già. Ông bà tôi yêu quý cái loa truyền thanh ấy lắm. Mỗi khi loa thông báo là ông bà tôi lại dỏng tai nghe ngóng. Hôm nay, nghe đài dự báo thời tiết, sắp có bão mà cơn bão này có thể đổ bộ vào đất liền, bà tôi thở dài, lo lắng:

- Vết thương trên đầu ông lại tái phát cho mà xem. Lần nào trái gió trở trời tôi cũng thấy ông ôm đầu, rên rỉ, kêu ca. Sốt hết cả ruột, ông ạ!

Ông tôi thủng thẳng trấn an bà:

- Kệ nó! Tôi sống chung với lũ quen rồi. Mấy chục năm nay, tôi vẫn chịu đựng được. Bà không phải lo cho tôi. Bà lo cho cái đầu gối của bà ấy. Lần nào thay đổi thời tiết bà cũng phải dùng đến cái nạng. Đến là khổ. Vết thương này thì nhằm nhò gì so với bao đồng đội của tôi còn phải chịu đau đớn hơn nhiều… 

Tôi nghe ông bà nói chuyện mà không dám xen vào. Tôi tủm tỉm cười thầm, nghĩ bụng ông bà tôi tình cảm quá, luôn quan tâm đến nhau từng tí một.

Tôi vừa bóp chân cho ông, vừa nghe ông bà bàn tính chuyện làm mấy mâm cơm để quây quần tụ họp cựu chiến binh thời chống Mỹ với mấy người bạn của ông ở làng. Đáng lẽ bữa ăn này, ông bà định tổ chức đúng Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7. Nhưng suy đi tính lại, ngày ấy nhiều nhà cũng cúng giỗ nên ông bà đành lui lại sau ít hôm để đông đủ đồng chí đồng đội của ông. Ông tính lên thực đơn món này, món kia, phân ai đi chợ, ai làm bếp trưởng. Ông vẫn thích chỉ đạo như một người chỉ huy ở ngoài chiến trường.

Chiến tranh kết thúc, khi ông trở về quê nhà thì ông bà tôi sinh thêm cô Thơ nhưng cô bị liệt vì những di chứng của chất độc da cam/dioxin. Nỗi buồn lớn nhất của ông bà có lẽ là lo cho cô Thơ chứ không phải chỉ lo về vết thương trên đầu ông bị tái phát mỗi khi trở trời. Nhưng cô Thơ rất nghị lực và tài năng. Cô ngồi trên giường và trên xe lăn là chính nhưng cô vẫn đọc thông, viết thạo nhờ ông tôi kèm cặp, dạy bảo. Cô còn biết làm thơ đăng báo nên mỗi khi có bạn đồng ngũ đến nhà chơi là ông tôi lại đọc thơ của cô để khoe. Nhận được nhuận bút, cô vui vẻ khao cả nhà, khi thì trà sữa, khi thì chè bưởi… Ông bà tôi cũng được an ủi phần nào khi thấy cô sáng dạ và có thơ làm bạn. Thơ giúp cho cô không buồn, không nghĩ ngợi nhiều về nỗi bất hạnh của mình. Cô còn tham gia các hội nhóm làm thơ nên thi thoảng nhà tôi lại được đón những bạn văn, bạn thơ của cô từ nhiều nơi tìm đến thăm nhà, thăm cô, động viên cô bằng những món quà tinh thần rất có ý nghĩa. Cô được tặng rất nhiều sách nên giá sách của cô còn to hơn cả giá sách của anh em tôi.

Ngày cả nhà quây quần để mời đồng đội của ông về dự bữa cơm thân mật, ông tôi vui lắm. Ông mặc bộ quân phục đã sờn màu, sắp mâm lễ rất cẩn thận. Ông còn sai bố tôi bẻ mấy chùm nhãn to nhất ở cây nhãn góc vườn, đặt lên ban thờ. Ông chắp tay thành kính khấn tổ tiên và mời các đồng đội đã hy sinh về cùng thụ hưởng. Khói nhang tỏa làm mắt ông rưng rưng. Tôi biết ông sắp khóc. Mỗi khi nhớ đến đồng đội đã khuất, ông đều xót xa.

Đến khi ngồi vào mâm, ông cười khì khì suốt bữa ăn. Ai hỏi vết thương trên đầu ông đỡ chưa, ông cũng gật gật:

- Khỏi rồi! Khỏi rồi! Cứ đông vui như này thì làm gì còn vết thương nào nữa!

Nói rồi, ông khoe cô Thơ sắp xuất bản tập thơ đầu tay. Ông hứa sẽ tặng mỗi người một cuốn. Gương mặt cô Thơ rạng rỡ hẳn lên. Chỉ cần cô vui là cả gia đình tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm.

VƯƠNG TUẤN KHANH
(Lớp 12A, Trường THPT Nam Sách)