Quảng Ninh cải thiện chất lượng điều hành thu, chi ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 15:19, 03/08/2023
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, bằng những cơ chế điều hành linh hoạt; phân cấp, phân quyền triệt để, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và tăng theo từng năm, trở thành nguồn lực quan trọng cho tỉnh thực hiện đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo chi an sinh, phúc lợi xã hội.
Để bảo đảm chất lượng nguồn tăng thu hằng năm theo quy định của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/2021/NQ-HĐND (ngày 9.12.2021) về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Nghị quyết số 77/NQ-HĐND (ngày 9.12.2021) về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và cơ chế biện pháp điều hành ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính 3 năm (2022-2024); Nghị quyết số 72/NQ-HĐND (ngày 9.12.2021) về kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm (2021-2025) theo nguyên tắc ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo từ các khoản thu tập trung, khoản thu được hình thành từ các dự án do tỉnh đầu tư để có nguồn lực giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, các yêu cầu cân đối lớn của tỉnh, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện phân cấp, giao quyền cấp huyện khai thác tốt nguồn thu ngân sách của địa phương, chủ động nhiệm vụ của địa phương, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp thực hiện các chính sách của nhà nước đến người dân.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Bám sát mục tiêu nghị quyết HĐND tỉnh, ngay từ đầu các năm, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định giao nhiệm vụ thu, chi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch điều hành phù hợp, trên tinh thần đảm bảo nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, dành nguồn lực chi đầu tư phát triển và chi cho yếu tố con người.
Bằng những cơ chế quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả của Cục Thuế tỉnh, các cấp, ngành nên tổng thu NSNN giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 160.476 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 122.109 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng thu ngân sách, tăng bình quân khoảng 4,19%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; thu xuất nhập khẩu ước đạt 38.367 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng thu ngân sách, vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Đến nay, đã có 6/13 địa phương của tỉnh tự chủ ngân sách, tăng 2 địa phương (Đông Triều, Vân Đồn) so với năm 2020; 7 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, tăng 5 đơn vị so với năm 2020; 74 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, tăng 44 đơn vị so với năm 2020; 66 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, giảm 80 đơn vị so với năm 2020.
Trong quá trình điều hành ngân sách, tỉnh thực hiện nghiêm Luật NSNN, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, dành tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư phát triển ngay từ dự toán đầu năm. Tổng nguồn vốn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách địa phương (khoảng 55%), tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng giao và ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc bố trí vốn NSNN đầu tư được tập trung có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình có tính động lực cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, dành một phần vốn hàng năm xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh còn gần 19 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 628 triệu đồng; ngân sách huyện, xã trên 18 tỷ đồng, giảm 97,7% so với năm 2020.
Theo báo Quảng Ninh