AI tạo chân dung "như chụp studio" gây sốt
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 31/07/2023
Ra mắt ngày 17.7, Miaoya là công cụ tạo ảnh AI phổ biến nhất trên WeChat và luôn nằm trong xu hướng tìm kiếm. Phần mềm do Weixu Internet Technology, một công ty nhỏ ít được biết đến, phát triển.
Miaoya cho phép người dùng tải lên ảnh chụp khuôn mặt ban đầu, sau đó là một bộ 20 ảnh được chụp gần nhất. AI sẽ xử lý thành ảnh chân dung tiêu chuẩn (ảnh thẻ) cùng ảnh chân dung phong cách studio.
"Kết quả khá giống với khi chụp ở cửa hàng", Zhang Yichang, sống ở tỉnh Chiết Giang, cho biết.
Tính năng xử lý thành ảnh chân dung "như chụp studio" của Miaoya
Theo SCMP, lượng truy cập lớn đã khiến máy chủ ứng dụng nhiều lần quá tải. Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết phải đợi 24 tiếng mới có thể nhận về bộ ảnh của mình. Đại diện Weixu Internet Technology sau đó xác nhận vấn đề và cho biết đang khắc phục.
Bên cạnh những người yêu thích, cũng có một số cảm thấy không hài lòng về Miaoya. "Tôi chi 9,9 nhân dân tệ và đợi trong 11 tiếng để nhận được bức ảnh với cánh tay to, xương đòn không đối xứng, mí mắt bên cao bên thấp", một người dùng mạng xã hội Xiaohongshu viết trên trang cá nhân.
Miaoya không phải là ứng dụng AI duy nhất gặp tình trạng quá tải. Trình xử lý ảnh miễn phí 45ai cũng đang gây sốt không kém khi cung cấp bộ lọc biến mặt người thành búp bê Barbie dựa trên ý tưởng bộ phim của Mattel.
AI đang trở thành chủ đề thảo luận phổ biến ở Trung Quốc từ đầu năm, sau khi ChatGPT của OpenAI tạo cơn sốt. Giới chuyên gia đánh giá sự thịnh hành của Miaoya hay 45ai làm dấy lên hy vọng các công ty ở nước này đang tạo ra cơ hội kiếm tiền lớn từ công nghệ AI nhờ lợi thế thị trường tỷ dân.
"Đây có thể xem là những sản phẩm AI dành cho người dùng phổ biến đầu tiên ở Trung Quốc từ khi ChatGPT ra đời", Zhang Dingding, nhà phê bình và là cựu giám đốc công ty nghiên cứu Sootoo Institute tại Bắc Kinh, nhận xét. "Thật khó nói sự phổ biến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng điều chắc chắn là thị trường sẽ thấy nhiều sản phẩm tương tự xuất hiện trong tương lai".
Dingding cho rằng những chương trình như Miaoya có khả năng kết nối xã hội cao, nhờ việc người dùng chia sẻ ảnh lập tức lên WeChat hoặc Xiaohongshu. Tuy vậy, ông cũng đặt câu hỏi về tiềm năng của chúng trong việc chuyển thành lợi nhuận bền vững, hay chỉ là cơn sốt nhất thời rồi lụi tàn.
Quyền riêng tư cũng là vấn đề được quan tâm. Theo điều khoản, nhà phát triển của Miaoya "có thể sử dụng nội dung dưới mọi hình thức, trên mọi phương tiện hoặc công nghệ hiện tại và trong tương lai". Tuy nhiên sau đó, ứng dụng đã sửa thành "dữ liệu tải lên chỉ dùng để tạo ảnh AI cho người dùng".
"Một mặt, tôi có chút lo lắng về bảo mật. Mặt khác, những bức ảnh này không phải thật, nên tôi sẽ không dùng nó trong trường hợp quan trọng", Yichang nói.
Theo VnExpress