Xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" cho thấy niềm tin trong phòng chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 30/07/2023
Phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã kết thúc sau 18 ngày xét xử và nghị án. 54 bị cáo trong vụ án đã nhận những bản án thích đáng, trong đó có 4 án Chung thân. Các đối tượng đưa và nhận hối lộ đã bị xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tinh thần nghiêm minh của luật pháp. Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tư cách phẩm chất và đạo đức.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời phỏng vấn.
PV: Thưa Luật sư, vụ việc xét xử các cá nhân liên quan đến chuyến bay giải cứu thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội. Những cá nhân vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh theo luật pháp. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, trong quá trình xét xử, Tòa án đã bỏ qua quyền lợi, lợi ích của những người dân, những người liên quan đến chuyến bay giải cứu này?
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh: Vụ án “chuyến bay giải cứu” thu hút sự quan tâm rất lớn của công luận. Có rất nhiều sự quan tâm dành cho người dân, những đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất trong vụ việc này, chịu thiệt hại cụ thể và trực tiếp nhất.
Quá trình xét xử vừa qua, chúng ta thấy rằng người ta đang xét xử vụ việc liên quan đến tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Chính vì vậy, trong những phiên tòa đó, quyền và lợi ích của những người cụ thể, những người đã trả tiền để được đi những chuyến bay giải cứu đó, chưa được đưa vào một cách trực diện. Tuy nhiên, về góc độ luật pháp, đấy là sự phân biệt khá rõ giữa phiên tòa hình sự và phiên tòa dân sự. Ở phiên tòa hình sự, chúng ta xét xử tội phạm hối lộ, gọi chung là vậy. Do đó, vấn đề tài sản, hoặc lợi ích vật chất liên quan tội phạm này sẽ được xử lý theo quy trình hình sự. Còn lợi ích, tài sản của người dân là quy trình tố tụng dân sự, có thể được xem xét trong một vụ kiện dân sự khác, nếu các bên có lợi ích liên quan mong muốn.
Những người dân tham gia "chuyến bay cứu" là những người chịu thiệt hại nhiều, nhất là khi phải bỏ ra một số tiền lớn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể lập tức khởi kiện, hay đòi lại tiền. Như tôi đã nói, tòa đang xét xử vụ án hình sự. Khoản tiền của các doanh nghiệp đưa cho những người có chức vụ, đã được phát hiện và xác minh đấy là tiền hối lộ, thì sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật hình sự. Trừ những trường hợp nhất định như đưa hối lộ không do ép buộc hoặc do tự thú, còn lại về cơ bản tiền phạm pháp phải được tịch thu, xung công quỹ nhà nước. Pháp luật quy định như vậy.
Việc người dân đưa tiền cho doanh nghiệp là giao dịch dân sự. Họ đưa tiền để được tham gia chuyến bay, để được trở về đất nước. Nếu chứng minh được giao dịch dân sự do cưỡng ép, hoặc do lừa gạt, lừa dối thì người bị hại hoàn toàn có thể kiện. Và tòa có thể xử, chứng minh được đúng là có yếu tố lừa gạt, lừa dối, cưỡng ép, thì coi đấy là giao dịch dân sự vô hiệu. Và khoản tiền ấy của bên nào sẽ trả lại cho bên đấy. Tóm lại là dựa trên pháp luật, thì khả năng khởi kiện, đòi lại tiền là có chứ không phải không. Nhưng thực sự hết sức khó khăn.
PV: Việc xét xử 54 bị cáo này được công khai trước dư luận và báo chí. Vụ án được xét xử công tâm, khách quan và cũng để lại nhiều bài học, thưa luật sư ?
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh: Qua vụ việc này cũng gợi nên nhiều câu chuyện để chúng ta cùng xem xét. Ví dụ như việc cấp phép cho các chuyến bay phải qua 5 bộ. Mỗi bộ đều phải báo cáo, đều phải có một quy trình rất dài. Đấy chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tóm lại là thông qua vụ việc này, sẽ có rất nhiều điều khiến chúng ta có thể phải điều chỉnh, có thể phải cập nhật, sửa lại. Và chúng ta có thể từng bước hoàn thiện tố tụng cụ thể, hoàn thiện những cơ chế quản lý cụ thể. Quan trọng nhất là chúng ta đã công khai phiên tòa và những người vi phạm đã bị xem xét xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
PV: Việc xét xử vụ án này cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn nhiều gian nan nhưng chúng ta quyết tâm làm?
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh: Đúng thế, vụ việc này đã thể hiện rõ chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tất cả các công chức Nhà nước, kể cả người chức vụ thấp đến người có chức vụ cao, kể cả người đương chức, lẫn người không đương chức, hoặc kể cả các ngành, kể cả Trung ương và địa phương liên quan đến "chuyến bay giải cứu", đều bị đưa ra xét xử. Như vậy, nó thể hiện phạm vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất rộng. Hầu như không giới hạn, không có ngoại lệ. Vụ việc này mở ra một quyết tâm, một niềm tin lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta.
PV: Vụ án này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Mọi người đều có thể theo dõi và có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình?
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh: Thực sự thành công lớn nhất của vụ việc này đó là tính công khai, tính rõ ràng và sự tham gia rộng rãi của công luận, của báo chí. Mọi người dân đều có thể bình luận, có thể cho ý kiến về vụ việc này. Đương nhiên, trong quá trình bày tỏ ý kiến thì cũng có nhiều chiều. Tuy nhiên, những ý kiến mang tính công kích, hoặc đả phá, nói xấu cá nhân hoặc cơ quan mà không có chứng cứ, quy kết, thì đấy là cấu thành nên những hành vi vi phạm pháp luật.
PV: Chúng ta bày tỏ ý kiến, quan điểm trên tinh thần xây dựng là điều rất tốt. Nhưng có một số đối tượng thì luôn luôn nhìn sự việc một cách méo mó, để rồi quy chụp, xuyên tạc thành bản chất của chế độ?
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh: Bất kỳ một vụ việc nào cũng có thể được nhìn nhận ở rất nhiều góc độ. Và tùy theo mục đích của người nhìn nhận đấy.
Nếu một người luôn có mục đích xấu, thì bất kể vụ việc nào cũng có thể được nhìn nhận theo mục đích riêng của họ. Điều này chúng ta cũng khó mà cản trở được. Tuy nhiên, tôi nhớ có câu nói là, việc gì đúng ta cứ làm, không ngại, việc ta làm đúng, làm công khai, minh bạch, bản thân nó đã là một sự trả lời thuyết phục nhất cho công luận.
PV: Xin cảm ơn PGS,TS Nguyễn Hoàng Anh!
Theo VOV