Nổi hạch ở trẻ là biểu hiện của bệnh gì?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:10, 30/07/2023
Hệ thống hạch của cơ thể làm việc như một phần của hệ thống miễn dịch
Hạch có thể bị sưng nếu trẻ bị côn trùng cắn hoặc bị sốt
Hạch còn gọi là hạch bạch huyết hay hạch lympho, là một bộ phận của hệ bạch huyết trong cơ thể. Hệ bạch huyết gồm có dịch bạch huyết, mạch bạch huyết, amidan, tuyến ức, lá lách và các hạch lympho. Tổng cộng có trên 600 hạch bạch huyết trong cơ thể, một phần trong số đó nằm bên dưới bề mặt của da, một số khác lại nằm sâu trong khoang ngực, khoang bụng.
Hạch có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Trong dịch bạch huyết có chứa các tế bào bạch cầu và các thứ khác giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Khi chất dịch này di chuyển qua mạch bạch huyết (một mạng lưới tĩnh mạch chạy song song với hệ thống tuần hoàn máu) được lọc bởi các hạch bạch huyết.
Ngoài ra, hạch bạch huyết cũng có thể đáp ứng với hiện tượng dị ứng xảy ra trên da hoặc gần mũi, họng và tai. Vì vậy, hạch bạch huyết có thể bị sưng nếu trẻ bị côn trùng cắn hoặc bị sốt. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể.
Cách phát hiện trẻ có hạch
Hạch bạch huyết xuất hiện khi cơ thể trẻ đang chống lại tình trạng nhiễm trùng, lúc này các hạch sẽ sưng lên.
Trẻ em chính là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên, các bệnh nhiễm trùng mới mắc, bởi vậy hạch bạch huyết của trẻ thường to hơn người lớn.
Những dấu hiệu này cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng, do đó, các bậc cha mẹ không cần lo lắng quá nhiều nếu thấy trẻ bị nổi hạch bạch huyết.
Trên thực tế hạch vùng cổ của trẻ có thể sờ thấy, thậm chí ngay cả khi trẻ khỏe mạnh. Nếu hạch có kích thước nhỏ hơn 2cm, không đau, di động, không sưng nóng, có thể thấy 1 hoặc vài hạch liên tiếp nhau, nhưng không dính vào nhau và trẻ không có biểu hiện gì khác, thì phần lớn đó là hạch bình thường.
Nếu phát hiện trẻ có hạch kèm theo một số triệu chứng khác như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, trẻ bị sụt cân, mệt mỏi và đổ mồ hôi về đêm... thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, cần được bác sĩ khám và tư vấn.
Xử trí sưng hạch ở trẻ thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các bác sĩ sẽ xử trí hạch cho phù hợp. Nếu sưng hạch ở trẻ do nhiễm trùng bởi viêm họng, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Nhưng nếu gây nên bởi nhiễm virus, có thể chỉ cần điều trị triệu chứng.
Trong các trường hợp hạch có nguyên nhân do viêm nhiễm thực sự, có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh và dẫn lưu nhiễm trùng.
Cha mẹ cần lưu ý không nên ép, nén hạch, bởi nó có thể giữ chúng không co lại như bình thường.
Lời khuyên của bác sĩ
Trên thực tế, hạch sưng ở trẻ có thể chỉ đơn thuần là viêm nhiễm ở hầu họng, khi các viêm nhiễm này được điều trị thì hạch sẽ biến mất. Vì thế, cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, khi hạch ở trẻ sưng to, cha mẹ cũng không nên chủ quan. Cần cho trẻ đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau:
Trẻ xuất hiện hạch lớn hơn 2,5 cm, hoặc hạch trên 1,2 cm tồn tại trên 1 tháng.
Trẻ có hạch và hay ốm yếu.
Hạch xuất hiện ở cổ gây khó thở, khó nuốt hoặc khó uống.
Trẻ có hạch và kèm theo các biểu hiện sốt cao, không cải thiện sau 2 giờ dùng thuốc hạ sốt. Hoặc sốt tồn tại trên 3 ngày.
Da vùng nổi hạch bị đỏ.
Hạch to nhanh sau nhiều giờ.
Trẻ kêu đau ở vùng hạch sưng.
Trẻ có hạch và đau họng.
Hạch lớn và có ở nhiều khu vực.
Ngoài ra, nếu cha mẹ lo lắng và không yên tâm khi trẻ có hạch và hạch của trẻ ngày càng to hơn, thì cần phải cho trẻ đi khám ngay.
Theo Suckhoedoisong