Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng, giải ngân đầu tư công 58.500 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 17:00, 29/07/2023

Trong tháng 7, nền kinh tế có một số điểm tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng nhẹ, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng tới 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7.2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.


Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7.2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước

Tốc độ tăng, giảm chỉ số IIP tháng 7.2023 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn là: Bắc Ninh tăng 23,8%; Thái Nguyên tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Vĩnh Long tăng 3%; Bình Dương tăng 2,3%; TP Hồ Chí Minh tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%; Hải Phòng giảm 6,7%; Quảng Ninh giảm 1,9%; Hải Dương giảm 1,3%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 16,1%; Phú Thọ tăng 15,8%; Kiên Giang tăng 13,9%; Nam Định tăng 13,6%; Phú Yên tăng 12,6%; Hà Nam tăng 11,3%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 211,3%; Khành Hòa tăng 89,7%; Thái Bình tăng 82,4%; Trà Vinh tăng 19%; Nam Định tăng 10,9%.

Tính chung 7 tháng năm nay, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 4,3%.

Một con số tích cực khác trong bức tranh kinh tế tháng 7, đó là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%).

Theo Vietnamnet