Dấu hiệu bạn đời có EQ thấp

Gia đình - Ngày đăng : 17:00, 28/07/2023

EQ (trí tuệ cảm xúc) là khả năng xác định, xử lý, truyền đạt cảm xúc của chính mình và nhận biết, thấu hiểu cảm xúc của người khác.

Theo Lisa Lawless, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, CEO công ty về thiết bị tình dục Holistic Wisdom, khi có EQ cao chúng ta có thể thích nghi, giao tiếp hiệu quả và giải quyết xung đột dễ dàng. Chúng ta cũng mang đến cho bạn đời sự hỗ trợ, niềm tin và sự thân mật quan trọng về mặt cảm xúc. Ngược lại, EQ thấp sẽ ảnh hưởng đến sự tự nhận thức và khả năng đồng cảm.

Theo James Miller, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ, EQ cũng đóng vai trò quan trọng trong khả năng điều chỉnh cảm xúc và quản lý xung đột của một người.

Dưới đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn đời của bạn có EQ thấp.

Không thừa nhận cảm xúc của người kia

Khi chia sẻ với bạn đời rằng bạn đang buồn, họ thừa nhận và chấp nhận cảm xúc của bạn, đồng thời khiến bạn thấy được lắng nghe và thấu hiểu hay phớt lờ?

Nếu người vợ (chồng) không có thừa nhận cảm xúc của bạn, đó là dấu hiệu chứng tỏ họ có EQ thấp. Điều này chứng tỏ họ thiếu khả năng đặt mình vào vị trí của người khác.

Những người thừa nhận cảm xúc của bạn đời khi họ buồn thường sẽ nói những câu như: "Anh có thể tưởng tượng điều đó khiến em bực bội ra sao", "Điều đó chắc khiến anh khó chịu lắm", "Anh hiểu tại sao em lại thấy như vậy".

Không thể tự xoa dịu bản thân

Trẻ có xu hướng nổi giận khi thất vọng hoặc khó chịu, nhưng đó là phần quan trọng trong quá trình trưởng thành, liên quan đến việc học cách "tự xoa dịu" hoặc quản lý cảm xúc tiêu cực.

Nếu những điều nhỏ nhặt nhất có thể khiến bạn đời của bạn bộc phát cảm xúc không thể kiểm soát thì có thể là dấu hiệu cho thấy họ có EQ thấp.

Theo Lawless, một đối tác có EQ thấp gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của chính họ và tự an ủi hoặc bình tĩnh lại. Họ phản ứng như một đứa trẻ mới biết đi, nổi cơn thịnh nộ vì mọi thứ không theo ý mình, thay vì thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh và chín chắn.

Họ thường tức giận và hung hăng. Điều này đáng lo ngại vì cho thấy sự thiếu tự chủ, không hiểu tác động của hành vi với người khác.

Để cải thiện EQ cho bạn đời, các chuyên gia khuyên bước đầu quan trọng là nên giúp họ xác định những yếu tố kích hoạt cảm xúc. Nhờ đó, giúp vợ/chồng nhận thức được cảm xúc và hành vi để lưu tâm đến cách phản ứng với những tình huống nhất định.


Ảnh minh họa

Cư xử thiếu tế nhị

Đối tác của bạn có thỉnh thoảng đưa ra những câu nói đùa và bình luận không đúng lúc hoặc lạc đề, sau đó bối rối khi mọi người cảm thấy bị xúc phạm không?

Theo chuyên gia tâm lý, điều này xảy ra có thể do họ gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác nên không biết cách phản ứng thích hợp tùy theo bối cảnh, hoàn cảnh và cảm xúc trong mọi tình huống.

Không biết lắng nghe

Lawless cho biết nếu đối tác liên tục tỏ ra mất tập trung khi bạn đang nói chuyện hoặc ngắt lời thì đó cũng có thể là một dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp. "Điều này chứng tỏ sự thiếu đồng cảm, tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác", chuyên gia nói.

Những người có EQ thấp cũng thường chiếm ưu thế trong các cuộc trò chuyện vì sự thiếu nhận thức và đồng cảm của mình.

Nêu giải pháp cho vấn đề dù bạn không muốn

Bạn trở về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ, trút bầu tâm sự chồng (vợ) về việc đồng nghiệp không quan tâm đến dự án và khách hàng có những yêu cầu phi thực tế.

Thay vì nói "Điều đó nghe thật tồi tệ...", họ lập tức chuyển sang chế độ khắc phục sự cố cho bạn. Họ đưa ra một loạt tư vấn ví dụ như bạn nên nói gì với khách hàng hoặc cách bạn cần đối xử với đồng nghiệp.

Dù không phải là điều bạn muốn hoặc cần ở họ, nhưng nếu có trí tuệ cảm xúc thấp, đó có thể là tất cả những gì họ có thể làm.

Nhà trị liệu Miller giải thích, một người có EQ thấp sẽ không hỏi những câu có tính đồng cảm. Thay vào đó, họ sử dụng các sự kiện và dữ liệu để trò chuyện.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn đời không yêu thương hoặc muốn hỗ trợ bạn. "Họ thường muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức và không tập trung vào yếu tố cảm xúc", chuyên gia nói.

Luôn đổ lỗi

Theo Miller, một đối tác có trí tuệ cảm xúc thấp thường gặp khó khăn trong việc chịu trách nhiệm về hành động của mình. "Đổ lỗi cho người khác sẽ dễ dàng hơn nhiều vì họ không nhìn ra động cơ hoặc hậu quả tự nhiên của hành vi", Miller nói.

Từ chối thừa nhận vai trò trong một tình huống có thể do họ không có khả năng quản lý, xử lý cảm giác tội lỗi và xấu hổ vì làm sai.

Theo VnExpress