Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 30/07/2023

Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng ở TP Hải Dương ra đời đã mở ra không gian, môi trường lý tưởng để các loại hình văn hoá, nghệ thuật truyền thống được phát huy.


Pháo đất cổ truyền - một trong những trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng

Phong phú, đặc sắc

Từ ngày phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng được khai trương đến nay, du khách và nhân dân tỏ ra ấn tượng với 2 không gian văn hóa truyền thống phía ngoài Thư viện tỉnh do Bảo tàng tỉnh duy trì. Một bên là không gian trải nghiệm nghề truyền thống và trò chơi dân gian như làm gốm, cốm, đập niêu, bắt chạch; bên còn lại là “không gian quán xưa”, tái hiện hàng nước truyền thống, phục vụ người dân nước vối, nước chè, kẹo lạc, kẹo dồi… Hầu hết các vật dụng của hàng nước đều được làm bằng tre, tái hiện một phần khung cảnh làng quê xưa. Nhiều người cao tuổi sống ở thành phố hơn nửa thế kỷ rất hứng thú với không gian đặc sắc này. Một bộ phận giới trẻ cũng tham gia trải nghiệm để cảm nhận và tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương.

Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng tuần nào cũng sôi động. Bên cạnh các chương trình nghệ thuật, trò chơi hiện đại, phố đi bộ luôn dành “đất diễn” tương xứng cho các loại hình văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Đó là những màn trình diễn pháo đất cổ truyền vang rền của các pháo thủ Tứ Kỳ; các tiết mục võ thuật hấp dẫn của võ phái Võ lâm Phật gia Việt Nam; màn trình diễn áo dài truyền thống, hát văn, tuồng, hát chèo của các đoàn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh; màn trình diễn làm tò he của các nghệ nhân Nam Sách... Người dân chen chúc xung quanh xem biểu diễn. Cứ thế, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng trở thành địa điểm để văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy.


Một tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc biểu diễn tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng

Chị Nguyễn Thị Bé (quê tỉnh Hà Nam) là một nhà quản lý và nghiên cứu văn hoá từng đến nhiều phố đi bộ trong cả nước. Cuối tháng 6 vừa rồi, chị lần đầu tới tham quan phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng. “Mỗi phố đi bộ có những đặc thù riêng, tựu trung là sôi động. Nhưng phố đi bộ, chợ đêm ở TP Hải Dương có không gian văn hoá, nghệ thuật phong phú, đặc sắc hơn cả nên được nhân dân rất hứng thú đón nhận. Các loại hình văn hoá, nghệ thuật đương đại kết hợp văn hoá, nghệ thuật truyền thống được tổ chức đan xen hài hoà, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của mọi thành phần, lứa tuổi. Điều này cho thấy TP Hải Dương rất quan tâm bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống”, chị Bé nhận xét.

Sức sống mới, giá trị lớn

Lãnh đạo Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao TP Hải Dương cho biết chỉ sau khoảng 3 tháng hoạt động, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng đã thu hút tới 160 câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật đăng ký biểu diễn, trong số này có nhiều câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật truyền thống ở cả trong và ngoài tỉnh với đa dạng các loại hình. “Phố đi bộ đã và đang khẳng định là một môi trường tốt để các loại hình văn hoá, nghệ thuật truyền thống có sức sống mới trong cuộc sống hiện đại”, bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc trung tâm nhận định.


Hai em nhỏ quây quần bên cha mẹ cùng tìm hiểu và chơi trò "ô ăn quan" tại phố đi bộ

Chị Lê Thị Thuỷ Ngọc, Phó trưởng Phòng Trưng bày (Bảo tàng tỉnh) cho biết so với những đợt trưng bày chuyên đề, các trò chơi dân gian, nét đẹp văn hoá truyền thống của Hải Dương được lan toả mạnh mẽ hơn tại phố đi bộ do có hàng vạn người tham gia mỗi đêm. Nhiều gia đình đưa tất cả các thành viên tham gia trải nghiệm, tìm hiểu về trò chơi dân gian. Trẻ nhỏ được tiếp cận những trò chơi thân thiện, lành mạnh. “Tại phố đi bộ, không ít nhà quản lý giáo dục đã tiếp cận chúng tôi để tìm hiểu về các trò chơi dân gian, nghề truyền thống để nghiên cứu áp dụng vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại nhà trường từ năm học tới. Nhiều phụ huynh nhờ chúng tôi truyền đạt cho cách sử dụng vật dụng làm trò chơi dân gian để cho con trải nghiệm ngay tại nhà. Những điều này làm cho giá trị của văn hoá nghệ thuật truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy trong thời kỳ hội nhập”, chị Ngọc nhấn mạnh.

Nhớ đêm khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu (Sơn La) đã tham gia biểu diễn tiết mục “Vũ điệu kết đoàn”. Đầu tháng 7, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã về phố đi bộ Bạch Đằng tổ chức biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân gian đặc sắc “Hà thành 36 phố phường” phục vụ người dân và du khách… Rồi đây, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng sẽ tiếp tục trở thành nơi quy tụ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống không chỉ riêng của tỉnh Hải Dương.


Trò chơi dân gian tổ chức thường xuyên tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng giúp trẻ có sân chơi bổ ích, được tìm hiểu về những giá trị văn hoá truyền thống để thêm yêu quê hương, đất nước

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương Đặng Thu Hà thông tin việc xây dựng phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây cũng là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Văn hoá truyền thống được bảo tồn hài hoà với sự phát triển của văn hoá đương đại không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng hình ảnh “Người Thành Đông nói lời hay, hành động đẹp”.

TIẾN MẠNH