Đấu tranh loại bỏ luận điệu xuyên tạc của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:02, 27/07/2023
Tháng 7 về, cùng với cả nước, Hải Dương đang có nhiều hoạt động thiết thực tri ân, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách. Trong ảnh tư liệu: Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho người có công tại xã Nghĩa An (Ninh Giang)
Những ngày tháng bảy này, cả nước ta tổ chức nhiều hoạt động tri ân sâu sắc hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023). Đây là truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta đối với những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trái ngược lại, trên mạng xã hội, các phần tử cơ hội chính trị, những kẻ lưu vong ở hải ngoại vẫn mưu toan “trả mối hận - quốc hận” vì bại trận trong cuộc quyết chiến chiến lược “Đại thắng mùa Xuân 1975” của quân và dân ta. Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc chính sách đối với người có công với cách mạng. Chúng đánh đồng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh vì nước vì dân, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng với những người lính ngụy - tay sai của thực dân đế quốc, đã ngã xuống trong chiến tranh vì gây tội ác với đồng bào ta. Thậm chí, chúng còn tung tin tuyên truyền rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra hai cuộc chiến tranh đẫm máu”, “làm cho hơn 2 triệu người Việt Nam phải chết”, “hơn 3 triệu người Việt phải sống lưu vong”... Mục đích của các thế lực thù địch, những kẻ người Việt lưu vong ở hải ngoại là phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào ta.
Có thể khẳng định, đây là những quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ và làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hủy họa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và quân đội; gây mâu thuẫn, đối nghịch giữa các miền của Tổ quốc.
Để có đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú, anh dũng của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, không quản ngại thân mình, xông pha nơi chiến trường để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc. Nhiều người trong số đó đã ngã xuống, nhiều người trở về không còn lành lặn. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn khắc cốt, ghi tâm và biết ơn sự hy sinh cao cả của những người dân, những chiến sĩ đã cống hiến sức khỏe, tính mạng, gia đình, hạnh phúc của bản thân và tuổi thanh xuân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Những năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Kết quả đó khẳng định trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng, của dân tộc.
NGUYỄN THANH