Thân nhân liệt sĩ Hồng Quang dự lễ thắp nến tri ân tại TP Hải Dương

Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 27/07/2023

Tối 26.7, TP Hải Dương tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đài liệt sĩ thành phố.


 Lãnh đạo TP Hải Dương và Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương dâng hương trước mộ liệt sĩ Hồng Quang

Chương trình nghệ thuật mở đầu với chủ đề "Đóa hoa bất tử" do đoàn viên, thanh thiếu niên TP Hải Dương biểu diễn ca ngợi công lao và sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... 

Trong không khí trang nghiêm và thành kính, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên và nhân dân TP Hải Dương đã dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.


 Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ

TP Hải Dương có gần 3.400 liệt sĩ, 297 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang, hơn 2.200 thương binh, bệnh binh và gần 1.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm và ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. 

Đài liệt sĩ TP Hải Dương là nơi ghi danh hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho hòa bình, độc lập dân tộc, đặc biệt trong khuôn viên có phần mộ liệt sĩ Hồng Quang.


Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ diễn ra vào chiều 26.7

Dịp 27.7 năm nay, Báo Hải Dương đã kết nối với gia đình liệt sĩ Hồng Quang để thực hiện bài viết "Hồng Quang - người ở lại đất này!". Bài viết sau đó nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả và gia đình liệt sĩ.

Đây là lần đầu tiên Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương, nhà văn Trang Hạ và ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng Phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Tuổi trẻ  - các cháu của liệt sĩ Hồng Quang tham dự lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ của TP Hải Dương.


 Nhà văn Trang Hạ, cháu ruột liệt sĩ Hồng Quang chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ

Liệt sĩ Hồng Quang tên thật là Nguyễn Văn Trạch (sinh năm 1918), quê ở thôn Đặng Giang, xã Hoà Phú, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Năm 1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ điều động ông tham gia Ban Cán sự Tỉnh uỷ Hải Dương. Năm 1941, ông bị bắt tại Hưng Yên khi đang trên đường về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên. Ngày 6.7.1941, ông hy sinh tại nhà tù Hải Dương khi mới 23 tuổi. Khí phách, lý tưởng của liệt sĩ Hồng Quang là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ.

PV