Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7
Tin tức - Ngày đăng : 12:42, 26/07/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngày 26.7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 để xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 2 dự án luật, 2 báo cáo và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người dân, chủ thể đều thực hiện theo hiến pháp và pháp luật.
Thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức cho xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; xem xét, cho ý kiến, quyết sách đối với một khối lượng lớn công việc liên quan đến thể chế; cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ trong triển khai đột phá chiến lược về thể chế.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, xử lý các vấn đề mới đặt ra, chưa có tiền lệ… để cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhờ đó, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục dành thời gian, công sức, nguồn lực cho xây dựng pháp luật; bảo đảm quy trình, tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo rà soát, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng thể chế.
Đặc biệt, tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động; các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân, doanh nghiệp và tham khảo các quy định của các nước phù hợp với điều kiện Việt Nam để hoàn thiện thể chế.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến vào 3 đề nghị xây dựng luật, 2 dự án luật, 2 báo cáo và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, có đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế...
Theo TTXVN