Điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân 3 tháng/lần: Hình thức và vô nghĩa
Kinh tế - Ngày đăng : 08:26, 26/07/2023
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2017/QĐ-TTg đang được thực thi về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng. Giá điện sẽ được tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Điện có cơ hội giảm giá?
Điểm mới trong đề xuất lần này là quy định cụ thể khi nào giảm giá điện. Theo đó, nếu các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý), làm giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Cũng theo dự thảo đề xuất mới, trong trường hợp giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
“Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận thì tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến”, dự thảo đề xuất nêu.
Hiện nay theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân đang là 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 4.5.2023. Giá điện bán lẻ bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ. Đây là giá mua và bán điện giữa bên mua là EVN với các Tổng Công ty điện lực và bên bán điện là các đơn vị phát điện, tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng mua bán điện có ký hợp đồng với EVN và các đơn vị cung ứng điện nhưng không được vượt qua khung giá sàn - trần do Chính phủ quy định.
3 tháng chưa đủ thời gian hạch toán
Giá điện bình quân đang áp dụng theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2017, với quy định xem xét điều chỉnh 6 tháng/lần. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm qua, giá điện bình quân mới trải qua 4 lần điều chỉnh, trong đó 2 lần điều chỉnh tăng vào năm 2019 và 2023. Chính vì vậy, theo ý kiến chuyên gia, Quyết định 24 chưa được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả.
Chỉ rõ về điều này này, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, theo quy định của Quyết định 24, trong vòng 6 tháng khi các yếu tố khách quan đầu vào của ngành điện tăng, ngành điện được điều chỉnh tăng và ngược lại. Tất nhiên, những yếu tố chủ quan sẽ không được xem xét như do tổn thất điện năng, năng suất lao động kém, làm ăn không hiệu quả…
Nhưng bất cập lớn hiện nay là các quy định tại Quyết định 24 dù được ban hành từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả. Bởi điện là mặt hàng hết sức nhạy cảm, nên từ năm 2017 đến nay mới có 2 lần được điều chỉnh tăng. Mặc dù năm 2022 ngành điện lỗ lớn, theo đề nghị cần được tăng giá điện đến 13% nhưng thực tế chỉ được phép tăng 3%. Từ mốc điều chỉnh 6 tháng nay lại đề xuất rút ngắn còn 3 tháng sẽ rất dễ khiến dư luận không đồng thuận.
“Điện là vấn đề hết sức nhạy cảm không phải muốn tăng - giảm lúc nào cũng được. Hơn nữa, mặt hàng điện rất khó thực hiện theo cơ chế thị trường như giá xăng dầu, vì điện phải hạch toán theo toàn ngành, nên trong thời gian 3 tháng điều chỉnh giá bán lẻ bình quân liệu đã phản ánh đầy đủ các yếu tố hay chưa? Nên việc này phải cân nhắc tính toán hết sức cẩn thận”, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích.
Do vậy PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 6 tháng xuống còn 3 tháng vẫn mang tính hình thức nếu không muốn nói là vô nghĩa, là thừa. Bộ Công Thương và ngành điện cần thực hiện theo đúng và đủ những quy định hiện hành, vì đề xuất mới cho thấy còn chặt chẽ hơn quy định hiện hành sẽ rất khó đảm bảo tính khả thi.
Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dựa vào giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được rút ngắn từ 6 bậc hiện hành về còn 5 bậc. Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, biểu giá điện cải tiến này phù hợp hơn với cơ cấu tiêu dùng điện đối với đại bộ phận người tiêu dùng điện trong xã hội. Bởi nhiều người băn khoăn nhất là tăng giá cho bậc sau, nhưng đây là điểm mới tạo tác động mạnh trong việc nâng cao ý thức tiết kiệm tiêu dùng điện. Ngoài ra, biểu giá rút ngắn từ 6 bậc về 5 bậc là tiền đề để có thể rút gọn về 3 bậc hay 2 bậc và tiến tới xóa bỏ bậc thang, đưa điện về 1 giá khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. |
Theo VOV