[Audio] Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 11:01, 26/07/2023
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ký kết quy chế phối hợp (ảnh tư liệu)
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ trong ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Nhiều giải pháp
Những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh được kiềm chế nhưng nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mức độ phức tạp hơn, xảy ra nhiều loại tội phạm phi truyền thống. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các tranh chấp dân sự, hành chính có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ phức tạp hơn. Yêu cầu đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng cao. Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, nhất là việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để quyết định chất lượng, hiệu quả công tác.
Ngành kiểm sát tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đổi mới trong công tác cán bộ. Khâu đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất hơn. Việc bố trí, phân công, sử dụng đội ngũ cán bộ hợp lý, theo hướng tăng cường cho các công tác, nhiệm vụ trọng tâm đột phá, các địa bàn có tính chất phức tạp. Đẩy mạnh công tác tự đào tạo, bồi dưỡng bằng các biện pháp phân công lãnh đạo, kiểm sát viên, người có kinh nghiệm hướng dẫn người mới bổ nhiệm chức danh tư pháp. Tổ chức xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, thành lập “Tổ nghiên cứu, tư vấn”, phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Ngành tăng cường công tác điều động, biệt phái, chuyển đổi nhiều vị trí công tác để đào tạo toàn diện cán bộ theo phương châm “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”; khắc phục tính trì trệ và phòng ngừa tiêu cực do ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ đảng viên, công chức được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Dương (thứ 2 từ phải sang) vừa được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (ảnh tư liệu)
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Với những biện pháp, giải pháp trên, đội ngũ công chức ngành kiểm sát Hải Dương hiện nay bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ theo yêu cầu vị trí việc làm, có kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu công tác chuyên môn. Đội ngũ công chức ngành kiểm sát tỉnh luôn thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong nhiều năm liên tục, ngành kiểm sát Hải Dương đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã được Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ thi đua. Nhiều đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, cấp phòng được Chủ tịch UBND tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen.
Thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định công tác tổ chức cán bộ tiếp tục có vai trò rất quan trọng. Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ của Đảng, của Nhà nước, của ngành, phấn đấu xây dựng đội ngũ công chức ngành kiểm sát Hải Dương có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, lấy chất lượng, hiệu quả công việc là thước đo và coi đây là khâu tiền đề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để định hướng chính xác, khách quan trong việc quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ.
Công tác điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí đối với cán bộ sẽ được tiếp tục tăng cường nhằm tạo môi trường, tạo động lực, rèn luyện, thử thách cho cán bộ, tránh khuynh hướng thỏa mãn, chủ quan, trì trệ. Việc bố trí cán bộ theo nguyên tắc “chọn người theo yêu cầu công việc”, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có đủ năng lực, phẩm chất, tạo sự lan tỏa, là tấm gương cho người khác học tập. Công tác quy hoạch, bố trí cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống, mạnh dạn giao việc để thử thách cán bộ”.
Ngành kiểm sát tỉnh đặc biệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị, xác định đây là giải pháp tối ưu để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, chủ động ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Cán bộ, công chức ngành kiểm sát tỉnh, nhất là người đứng đầu các đơn vị quán triệt và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” một cách thường xuyên, thiết thực.
NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG
Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương