Chất lính giữa thời bình
Chính trị - Pháp luật - Ngày đăng : 09:21, 27/07/2023
Rời chiến trường, nhiều thương binh, bệnh binh của Hải Dương dù mất đi một phần sức khỏe hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vẫn luôn vươn lên, cống hiến cho quê hương.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm anh bộ đội trong thời chiến thì phải thi đua chiến đấu; hòa bình rồi thì phải thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”, nhiều thương binh, bệnh binh của Hải Dương quyết giữ vững khí chất của người lính Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương sáng giữa đời thường.
Chiến tranh đã qua lâu nhưng ký ức về một thời xông pha nơi mưa bom, bão đạn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hà Minh Thám ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.
Tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Hà Minh Thám quê ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Thanh (nay là huyện Ninh Giang) viết đơn bằng máu mang lên UBND xã xin nhập ngũ. Trải qua 3 tháng huấn luyện, 4 tháng hành quân, ông đã có mặt tại Liên khu 5 và tham gia chiến đấu nhiều trận trong đội hình trinh sát ở chiến trường Bình Định cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm vui chưa trọn thì khu vực biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai lại “nóng” vì quân Pôn Pốt tấn công. Với sự dày dặn kinh nghiệm, kinh qua nhiều trận chiến, ông trở lại chiến trường biên giới Tây Nam chỉ huy chiến đấu.
Tháng 9.1978, trên cương vị Đại đội phó Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, ông vừa chỉ huy vừa trực tiếp cầm súng cùng đồng đội đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Cũng tại đây ông đã bị thương nặng. Mặc cho máu và thương tích đầy mình, ông vẫn gắng gượng lao về phía trận địa để xử lý tình huống. Ông được đồng đội đưa về điều trị với 12 vết thương trên cơ thể. “45 năm qua, tôi không quên hình ảnh những đồng đội mặc cho gai móc quấn chân chảy máu vẫn băng rừng, vượt qua những con suối lớn để cứu đồng đội. Sợ tôi bị dính nước nhiễm trùng vết thương, 4 đồng chí còn đội cáng lên đầu, cẩn trọng, mò mẫm qua suối đưa tôi về nơi điều trị. Những khoảnh khắc ấy khiến tôi rất biết ơn và trân quý tình đồng chí, đồng đội nơi chiến trường lửa bom khốc liệt ngày ấy”, ông Thám kể.
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, Hải Dương có hàng nghìn người con anh dũng hy sinh, dành trọn tuổi thanh xuân ở chiến trường. Hơn 2.000 thương binh và 10.000 bệnh binh của Hải Dương may mắn trở về nhưng họ bị thương tật suốt đời. Có người còn phải gánh chịu nỗi đau tinh thần dai dẳng khi những đứa con lần lượt bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Mỗi tấc đất quê hương được bảo vệ là bấy nhiêu những mất mát, hy sinh của cả hậu phương và tiền tuyến.
Thương binh Lê Xuân Kịch ở khu dân cư Đỗ Xã, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) không quên những trận sốt rét rừng đã lấy đi bao sức lực, tính mạng của những người lính trẻ. Đó cũng là căn bệnh ám ảnh hầu hết những người lính từng “ăn núi, ngủ rừng” như ông. Mỗi lần lên cơn sốt dù đồng đội có đắp lên mình bao nhiêu chiếc chăn thì vẫn rét run cầm cập.
Ông Kịch bảo trong chiến trường khi đó có rất nhiều lính “nhà sư”. Ông Kịch cười và giải thích vì sao ví von như vậy bởi sốt rét rừng khiến họ rụng hết tóc. Suốt 12 năm lặn lộn, tham gia chiến đấu khắp các chiến trường từ Bình Định, Tây Nguyên cho đến những tháng ngày chiến đấu tại cánh đồng Chum tại tỉnh Xiêng Khoảng của Lào để rồi khi trở về ông mang trên mình thương tích 25% và nhiễm chất độc da cam/dioxin. “Thật khó quên những ngày hành quân băng qua những vạt rừng mà một bên là vách núi lởm chởm, một bên là vực sâu thăm thẳm hay những trận đánh giáp lá cà với địch phải chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh mà vẫn quyết tiến công, chiến đấu đến cùng giành lại từng tấc đất của cha ông”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với những người lính Cụ Hồ năm xưa, những nắm cơm, bát canh rau rừng chia vội... đã trở thành kỷ niệm khó quên. Họ sống và chiến đấu can trường vì hòa bình, độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay.
“Hòa bình rồi thì làm gì?”, câu hỏi ấy đã khiến không ít thương binh, bệnh binh của Hải Dương tiếp tục vượt khó, vươn lên trên các mặt trận, tích cực tham gia các phòng trào của địa phương, hỗ trợ đồng đội ở mọi miền đất nước.
Năm 1977, từ chiến trường trở về, bệnh binh Vũ Hữu Thủy ở thôn Bắc, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) xin đi học để có kiến thức, kinh nghiệm lập nghiệp, cống hiến cho quê hương. Năm 1979, ông được đi học và 1 năm sau trở về đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, đội trưởng đội sản xuất của thôn. Những kiến thức có được cùng với tinh thần “thép” của người lính đã giúp ông dẫn dắt đội sản xuất phát triển. Ông Thủy đã tham gia nhiều vị trí quan trọng của xã Hồng Lạc từ Trưởng Công an, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Thống kê xã rồi về nghỉ hưu năm 2010.
Ông Thủy cho biết: “Xuất ngũ về quê, được nhân dân tín nhiệm cử tham gia nhiều hoạt động của địa phương đã giúp tôi thêm yêu cuộc sống, vượt qua những lúc khó khăn, nản chí vì bệnh tật. Khi đã nghỉ hưu, tôi quyết định tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã để đồng cam, cộng khổ, hỗ trợ những gia đình đồng đội còn khó khăn, vất vả”. Ông Thủy tần tảo ươm các giống cây bưởi, cam, quýt, mít giống mới, có thể cho quả trái vụ để tặng hội viên, giúp họ cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng trọt, tăng thu nhập.
Ông Phạm Hồng Nghĩa, bệnh binh 61%, hội viện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hồng Lạc cho biết: “Hòa bình rồi nhưng cuộc sống của không ít bệnh binh còn khó khăn nên ông Thủy luôn tận tình hỗ trợ. Ông quan tâm đề xuất địa phương có những chính sách riêng giúp hội viên có cuộc sống tốt hơn”.
Không ít thương binh, bệnh bệnh của Hải Dương đã trở thành những thủ lĩnh trên mặt trận kinh tế. Bệnh binh Vũ Đức Thiển ở xã Cổ Bì (Bình Giang) là tấm gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi thời bình. Ông 3 lần được UBND tỉnh khen thưởng. Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) giàu ý chí, sản xuất, kinh doanh giỏi. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông được nhiều người đến tham quan, học tập. Anh hùng Lực lượng vũ trang Hà Minh Thám đóng góp tích cực cho phong trào khuyến học, xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Thương binh Lê Xuân Kịch giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng của địa phương sau khi rời quân ngũ và giờ đây luôn đau đáu hỗ trợ đồng đội khó khăn, tích cực tham gia nhiều phong trào của phường Tứ Minh.
Còn với thương binh Nguyễn Đình Phoóc ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách), sau nhiều năm chiến đấu tại nước bạn Campuchia, năm 1982 về quê mở cơ sở chế biến nông sản, tạo việc làm cho nhiều lao động là đồng đội, thân nhân đồng đội và những người hoàn cảnh khó khăn.
Lăn lộn trên thương trường, ông Phoóc luôn giữ vững ý chí của người lính Cụ Hồ, không ngại đạp xe lên Hà Nội rồi sang các tỉnh, thành phố khác tìm mối bán hàng. Những năm tháng hành quân không nghỉ trong chiến trường, đối diện với mưa bom, bão đạn, thậm chí có lúc cận kề cái chết còn vượt qua được nên thức khuya, dậy sớm đạp xe hàng trăm km tìm kiếm cơ hội làm ăn chẳng thấm vào đâu và bản lĩnh người lính không cho phép ông Phooc nản chí. Năm 2004, ông Phoóc sang Trung Quốc tìm cơ hội làm ăn mới và năm sau đã mở xưởng gia công hàng thủ công mỹ nghệ xuất sang Đài Loan. Năm 2008, ông thành lập Công ty TNHH một thành viên Nông sản Đông Hưng chuyên thu mua, chế biến nông sản và gia công hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Doanh thu của công ty mỗi năm đạt hơn 15 tỷ đồng.
Giờ đây khi doanh nghiệp phát triển, tuổi cao, ông Phoóc vẫn không ngại đi khắp nơi trong và ngoài nước tìm kiếm đơn hàng mới, bởi ông không muốn bất cứ người lao động nào, nhất là những người hoàn cảnh khó khăn phải mất việc. Hiện Công ty TNHH một thành viên Nông sản Đông Hưng đang tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương, chủ yếu là những người khó khăn, cao tuổi… Ông Phoóc cho biết: “Biết bao người đã phải đổ xương máu, nhiều đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường để có được cuộc sống hòa bình hôm nay. May mắn còn sống trở về quê, những người lính già như tôi không thể nhụt chí, quyết tâm sống tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội”.
Những ngày tháng bảy nghĩa tình, Hải Dương đang có nhiều hoạt động tri ân người có công, gia đình chính sách. Năm nay, tỉnh dành hơn 34 tỷ đồng để tặng quà cho người có công dịp này. Ở nhiều địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những mất mát, đau thương, khó khăn của người có công, gia đình chính sách. Những hoạt động thăm tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí được tổ chức ở nhiều nơi.
Hải Dương đã huy động toàn xã hội chung tay chăm lo đời sống cho người có công, gia đình chính sách. Tỉnh đã xây dựng, hỗ trợ cải tạo hơn 9.000 ngôi "nhà tình nghĩa". Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã tạo được nguồn lực lớn để các cấp, ngành thực hiện nhiều hoạt động tri ân, chăm lo đời sống cho người có công tốt hơn.
Ô Đinh Văn Truy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương khẳng định: “Những cống hiến của cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh Hải Dương giữa thời bình thật đáng trân trọng. Họ là những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.
Cuộc sống hòa bình hôm nay được chắt chiu từ biết bao hy sinh của cha anh trong chiến tranh. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những anh hùng liệt sĩ. Thế hệ hôm nay luôn biết ơn và cảm phục những thương binh, bệnh binh, người có công của Hải Dương dù trong chiến tranh hay hòa bình vẫn luôn giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng vượt khó, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Nội dung: LAN ANH - THÀNH LONG
Đồ họa: TUẤN ANH
Trình bày: THIÊN BÌNH