Bạn chẳng nợ gì chúng tôi
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:17, 25/07/2023
Mấy tháng trước, tôi dẫn con lên thư viện địa phương ở thành phố Brisbane, coi như một chuyến dạo chơi và cho con đọc sách.
Đến thư viện, hai cô thủ thư chào đón gia đình tôi như thượng khách, họ bảo gia đình nhỏ đáng yêu quá, các bạn có muốn làm thẻ thư viện không, các bạn có muốn mượn thật nhiều sách về cho các bé tha hồ đọc không, rồi các bé có muốn tham gia cuộc thi "ai đọc sách nhiều nhất trong tháng" không.
Tôi bảo họ "tôi thích hết, hướng dẫn tôi đi nhé", vì đề nghị nào cũng hấp dẫn cả. Thế là một trong hai cô thủ thư tập trung hoàn thành các đề nghị của tôi. Họ hướng dẫn rành rọt, chậm rãi và rất nhiệt huyết, để chúng tôi đọc được nhiều sách nhất trong thư viện của họ.
Đến lúc in thẻ thư viện thì hai trong năm cái thẻ bị sai tên (tên người Việt mà, hơi khó với người Australia). Tôi định tặc lưỡi cho qua và thấy mình đã quá phiền rồi.
Nhưng cô thủ thư không cho qua, cô nhìn nét mặt của tôi và hỏi "có gì không ổn sao, tôi đoán có gì đó không ổn". Tôi đành nói là nó sai rồi, và bảo cô thôi quên đi, cũng không vấn đề gì. Nhưng cô xin lỗi rối rít và bảo sẽ phải làm cho đúng chứ. Và cứ thế cô hướng dẫn cuộc thi, cách mượn sách, trả sách. Lúc ra về cô không quên dặn các bé phải đọc sách nhiều vào.
Quá cảm kích, tôi chỉ biết cảm ơn. Cô xua tay và bảo trời ơi ơn nghĩa gì, có thêm người đọc sách chúng tôi vui lắm, rồi quay lại với các khách khác đang xếp hàng chờ.
Tất cả đều miễn phí. Tôi không trả đồng nào cho thư viện, cho sách mượn hay cho cái thẻ.
Từ đó, các con tôi đọc được nhiều sách hơn. Tôi cũng mê thư viện đến nỗi có khách sang thăm là tôi chở họ đến thư viện đó bằng được.
Cách đây mấy hôm, tôi ghé trường mẫu giáo con gái út để tặng trường một thùng khăn giấy sau khi nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp khăn giấy cho các bé. Vì quá mến trường và thực sự biết ơn họ, tôi đã mua nhiều khăn giấy hơn bình thường. Cô hiệu trưởng đón tôi từ xa và thể hiện sự ngạc nhiên tột bậc khi tôi bảo toàn bộ số khăn giấy này là tôi tặng.
Tôi thanh minh rằng gia đình tôi nợ trường nhiều quá. Nhưng cô nghiêm túc trả lời: các bạn không nợ chúng tôi thứ gì cả, trách nhiệm của tụi tôi là chăm con của các bạn, thì chúng tôi làm thôi.
Về phần tôi, tôi cố gắng giới thiệu khách đến thư viện. Tôi mua thật nhiều khăn giấy (vì việc này nằm trong khả năng của gia đình tôi) để tặng cho trường. Vì họ thật sự chiếm trọn cảm tình của tôi và gia đình nhỏ chúng tôi. Tôi làm vậy để cho họ biết tôi cảm kích đến nhường nào, để phần nào động viên sự nhiệt thành và trách nhiệm với công việc của họ.
Cũng trong hôm ấy, tôi nghe tin thành phố Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12. Đây là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng thực hiện chính sách này. Hai lần trước, chính quyền thành phố miễn học phí do đời sống người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Trong hai năm qua, các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng cũng đã hỗ trợ 100% mức đóng theo quy định.
Nghe thế, lòng tôi tự vui như mở hội, dẫu tôi không được hưởng quyền lợi trực tiếp từ chính sách này. Đà Nẵng là thành phố tôi gắn bó nhờ khoảng thời gian dạy học ở đây. Tôi cũng từng nhận được những niềm vui nhỏ bé mỗi ngày từ thành phố đáng sống này.
So với Brisbane của Australia, Đà Nẵng, cũng như nhiều thành phố ở Việt Nam, còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể cung cấp các dịch vụ công hoàn toàn miễn phí. Nên mọi nỗ lực hướng tới việc giảm bớt gánh nặng cho người dân đều rất đáng trân trọng và cổ vũ.
Tôi nghĩ, với mục tiêu và thiện chí trưởng dưỡng những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn lên mỗi ngày. Và điều tốt đẹp nhất là mỗi người hoàn thành nghĩa vụ của mình theo cách nhiệt thành nhất, để nó cứ thế tự nhiên lan tỏa.
Theo VnExpress