Giảm sim "rác" nhưng cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo vẫn lộng hành

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 15:42, 24/07/2023

Mặc dù các nhà mạng siết chặt quản lý sim điện thoại đăng ký thông tin không chính chủ (sim rác) và thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao này, nhưng những cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo vẫn không giảm, thậm chí còn tăng.


Các cuộc gọi rác, lừa đảo ngày càng tăng trong thời gian gần đây

Một ngày gần 10 cuộc gọi rác

Chị Phương Mai, ngụ tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm chưa có dịch Covid-19, các cuộc gọi rác gọi đến chị thường là mời chào mua nhà, mua đất, mở thẻ tín dụng hoặc nghỉ dưỡng và thường khoảng 1 - 2 lần/tuần, thế nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, tần suất cuộc gọi rác ngày càng tăng, thậm chí có cả những cuộc gọi lừa đảo.

“Thời gian vài tháng trở lại đây, trung bình một ngày tôi nhận gần 10 cuộc gọi rác, lừa đảo, làm phiền. Trong đó, các cuộc gọi chủ yếu là mời làm thêm tại nhà online hay mời chào làm giàu, chứng khoán... Ban đầu, tôi còn lịch sự từ chối nhưng họ cứ kéo dài cuộc gọi khiến tôi mệt mỏi. Sau này, cứ nghe đến những lời chào tương tự, tôi cúp máy luôn”, chị Phương Mai bức xúc nói.

Tương tự, anh Ngọc Long, ngụ tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Công việc của tôi là kinh doanh, không thể nào từ chối cuộc gọi lạ. Vì thế, cứ ai gọi đến là tôi nghe nhưng rất nhiều cuộc gọi rác, lừa đảo thế này thật sự khiến tôi đau đầu vì bị làm phiền”.


Trong một buổi chiều, anh Ngọc Long nhận đến 5 cuộc gọi rác

Anh Ngọc Long cho hay, để ngăn chặn các cuộc gọi rác, anh đã tải phần mềm nhận diện các cuộc gọi rác, lừa đảo trên app điện thoại đã được xác thực để cài vào máy và một tháng, anh phải tốn vài chục ngàn đồng để được cập nhật liên tục các số điện thoại rác, lừa đảo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp thời đề phòng, ngăn chặn được các cuộc gọi rác, lừa đảo. Chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác, đã có nhiều người bị lừa và bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Mới đây là trường hợp của bạn chị A.V (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) vừa bị mất 900 triệu đồng do cài app giả mạo của cơ quan thuế.

Theo chị A.V, người bạn của chị ban đầu nhận cuộc gọi mạo danh cơ quan thuế, yêu cầu doanh nghiệp cài app Cục thuế để tiện theo dõi khai báo và đóng thuế, nhưng người bạn không cài theo yêu cầu. Tuy nhiên sau đó, cuộc gọi lại đến và người bạn không nghe mà đưa cho con nghe. Không ngờ, cậu con trai lại làm theo hướng dẫn và nhấp vào đường link giả mạo. Ngay sau đó, 900 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút sạch. Đây là số tiền vừa mới được bán xe để trả nợ.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, đại diện dự án Chongluadao.vn cho biết, hiện nay có rất nhiều sim rác đang hoạt động. Ngoài ra, rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại sim ảo để gọi điện thoại, số ảo mà những kẻ lừa đảo vẫn dùng để spam, quảng cáo hoặc lừa đảo.

Một số loại hình lừa đảo phổ biến qua điện thoại mà dự án ghi nhận được trong thời gian qua là: lừa đảo đầu tư tài chính forex; lừa đảo giả mạo công an hay cơ quan chức năng; lừa đảo cộng tác viên, việc nhẹ lương cao; lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng, chi cục thuế để dẫn dụ cài app độc hại qua đường link giả mạo, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại Android, rồi dùng để thu thập thông tin dữ liệu; lừa đảo công ty du lịch; lừa đảo giả mạo sư thầy, mượn danh quỹ từ thiện để kêu gọi đóng góp, mua hàng từ thiện...

“Đáng lo ngại, các cuộc gọi lừa đảo, giả mạo sẽ rất khó kiểm soát nếu không có biện pháp xác minh danh tính người dùng. Nhưng để làm được việc này phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc...”, ông Ngô Minh Hiếu chia sẻ.

Vì vậy, để chống lừa đảo cần đến các biện pháp từ nhiều bên, trong đó có cả người dùng. Theo đó, ông Ngô Minh Hiếu khuyến nghị người dân cần tích cực báo cáo lên cơ quan chức năng ngay khi nhận được những tin nhắn hay cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến cổng chongthurac.vn và canhbao.ncsc.gov.vn. Khi phát hiện, ghi nhận các số thuê bao thực hiện lừa đảo, các nhà mạng cần khóa chặn và cảnh báo kịp thời những hành vi lừa đảo đang diễn ra đến các thuê bao.

Ngừng cung cấp dịch vụ hơn 1.700 sim rác

Mới đây, thực hiện Công văn số 1080 ngày 31.3.2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính 10 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với số tiền phạt 610 triệu đồng và ngừng cung cấp dịch vụ 1.710 sim thuê bao di động vi phạm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, qua hoạt động thanh tra 5 chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn, đoàn Thanh tra đã phát hiện và đã xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi như: Sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin; sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân trên ảnh chụp giấy tờ của cá nhân để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; ký hợp đồng dịch vụ ủy quyền với cá nhân để thực hiện việc giao kết hợp đồng.

Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng vi phạm với hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ nhưng chưa thực hiện hoặc hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thực hiện đăng ký thông tin thuê bao ở bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; sử dụng giấy tờ tùy thân của cá nhân mà không được sự đồng ý để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, mặc dù việc siết chặt và xử lý sim rác được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu, mời chào sản phẩm dịch vụ... vẫn không giảm. Nguyên nhân, đây là loại hình không cần che giấu thông tin, thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Điển hình là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ...

Ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, để chấm dứt cuộc gọi rác, các cơ quan quản lý cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo Nghị định 91/2020, đồng thời tiến hành phát hiện, xử phạt các vi phạm liên quan đến việc để lộ, lọt dữ liệu người dùng theo quy định của Nghị định 13/2023…

Theo Báo Tin tức