Vòng Bắc Cực sẽ trở thành đấu trường mới của cuộc cạnh tranh Nga – Mỹ
Tin tức - Ngày đăng : 11:44, 23/07/2023
Theo đài Sputnik (Nga), đó là nhận định của ông Jeremy Kuzmarov, Tổng biên tập Tạp chí Covert Action. Ông cho rằng mặt trận căng thẳng đang diễn ra ở Vòng Bắc Cực chính là một phần của cuộc tranh giành nguồn tài nguyên khổng lồ bị chôn vùi dưới lớp băng hàng nghìn năm đang tan dần do biến đổi khí hậu.
Trước đó, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng Washington đang gia tăng căng thẳng ở Bắc Cực trong nỗ lực tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có được phát hiện khi các tảng băng tan chảy.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng Washington sẽ mở lãnh sự quán tại thành phố Tromso của Na Uy, cơ quan ngoại giao đầu tiên của nước này trên Vòng Bắc Cực.
Theo ông Kuzmarov, đã có nhiều thay đổi kể từ kỷ nguyên hợp tác bắt đầu bằng việc thành lập Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia xung quanh Bắc Cực hồi năm 1996.
“Mối quan hệ hợp tác đó đã bị bỏ qua với cuộc ‘Chiến tranh Lạnh’ và với tiền đồn ngoại giao mới này. Có những dấu hiệu khác cho thấy Mỹ đang di chuyển nhiều hơn đến Bắc Cực và Nga coi đó là hành động khiêu khích”, ông nói.
Chuyên gia này cho rằng có một chiến trường địa chính trị khốc liệt ẩn dưới lớp băng ở Bắc Cực. Ông giải thích khi biến đổi khí hậu xảy ra, Bắc Cực sẽ có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào khổng lồ. Không chỉ là một căn cứ tiềm năng cho các hoạt động quân sự, Bắc Cực còn sở hữu những nguồn tài nguyên to lớn có thể được khai thác.
“Chúng ta đang chứng kiến cuộc cạnh tranh mới để tiếp cận những nguồn tài nguyên đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Cả ba quốc gia Nga, Trung Quốc và Mỹ về cơ bản đang cạnh tranh với nhau ngày càng mạnh mẽ để khai thác tài nguyên ở khu vực đó”, ông nói.
Tổng biên tập Tạp chí Covert Action cũng nhấn mạnh việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cùng mối quan hệ gần gũi hơn với Na Uy, đã thể hiện rõ chính sách của Mỹ ở Bắc Cực.
“Mỹ đã củng cố các mối quan hệ đó trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này. Liệu đây có phải chiến lược của Mỹ mà chúng ta đã thảo luận? Đó là nhắm vào Nga, cô lập và làm suy yếu Nga”, ông nói.
Theo ông Kuzmarov, chiến lược của Mỹ ở Bắc Cực phù hợp với chiến lược lớn hơn, như mở rộng NATO sang Thụy Điển và Phần Lan, triển khai sức mạnh ở Bắc Cực và cố gắng thống trị khu vực này về mặt quân sự.
Ông Kuzmarov cũng đề cập đến việc cựu tổng thống Donald Trump từng đề nghị mua hòn đảo ngoài khơi Greenland từ Đan Mạch.
“Mỹ sẽ sử dụng Greenland như một căn cứ giống như họ muốn sử dụng Bắc Cực, Na Uy hay Thụy Điển”, ông Kuzmarov nói, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ đã có các căn cứ quân sự trên hòn đảo băng giá này.
Theo Báo Tin tức