Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 24/07/2023

Những thương binh, bệnh binh của Hải Dương luôn khắc ghi lời dạy của Bác, vững ý chí vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay.


 Rời chiến trường về quê hương, thương binh Dương Bá Việt ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) tích cực tham gia nhiều phong trào của địa phương

Mang trong mình vết thương, bệnh tật từ chiến trường, những thương binh, bệnh binh của Hải Dương vẫn một lòng cống hiến cho quê hương.

Vững tay súng

Những ngày tháng bảy, ký ức về một thời lửa đạn ở chiến trường lại ùa về khiến thương binh Dương Bá Việt ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) không khỏi bồi hồi. Ông rưng rưng kể lại về trận chiến ác liệt tại xóm 25, thôn Mỹ Lộc, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Tam Quan Bắc, phường Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định ngày 12.8.1972. Nơi đây, ông cùng đồng đội kiên cường chiến đấu giữ từng tấc đất của cha ông. Đó cũng là ngày ông bị thương nặng tưởng như không qua khỏi. “Thật may mắn tôi đã được một người mẹ Bình Định cứu. Mùa thu năm ấy, vì bị thương nặng ở tay cùng với mảnh đạn găm vào đầu nên tôi không thể tham gia chiến đấu được nữa, vĩnh viễn mang trên mình thương tật 81%”, ông Việt nói.

Lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn được ông Việt ghi nhớ. Ông không hối hận khi quyết định “Xếp bút nghiên lên đường ra trận” khi đang học lớp 9 ở Nam Sách, chuẩn bị dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Thậm chí khi bị thương, ông vẫn xin các bác sĩ được ghi giảm mức độ thương tật để có thể tiếp tục tham gia chiến đấu. 

Thương binh Bùi Văn Nha ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho rằng những vết thương của mình chưa thấm vào đâu so với những hy sinh, mất mát của bao chiến sĩ đã phải nằm lại nơi chiến trường. Tháng 8.1971, ông Nha xung phong vào chiến trường tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước) khi mới tròn 17 tuổi. Là lính trinh sát thuộc tiểu đội mũi nhọn của đại đội trinh sát, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 miền Đông Nam Bộ, ông Nha phải gánh trọng trách vì sự an nguy của đồng đội phía sau nên luôn làm việc cẩn trọng. Vào một đêm tháng 12.1973, khi đang trinh sát chuẩn bị cho trận chiến xác định ác liệt, ông đã bị địch bắn 2 phát vào tay nhưng vẫn cùng đồng đội chiến đấu đến cùng. Sau đó do mất nhiều máu, gãy xương tay, ông buộc phải trở lại chốt bộ binh và chuyển về tuyến sau điều trị. Vì vết thương ở tay quá nặng nên các bác sĩ đã phải lấy xương sụn ở sườn để nối cánh tay cho ông. “Sự hy sinh của đồng đội, lời thề của người đảng viên được kết nạp ở ngay chiến trường đã giúp tôi vững ý chí chiến đấu đến cùng”, ông Nha nói.

Hải Dương hiện có gần 22.000 thương binh và hơn 10.000 bệnh binh, trong đó nhiều người có tỷ lệ thương tật, mất sức từ 81% trở lên. Trải qua chiến tranh, trở về quê hương những thương binh, bệnh binh luôn phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, xông pha, gương mẫu trong công việc cũng như cuộc sống.

Ông Đào Huy Sơn, bệnh binh của thôn Ô Xuyên, xã Cổ Bì (Bình Giang) tích cực làm kinh tế

Gương mẫu, đi đầu

Trở về quê hương khi những cơn sốt rét từ chiến trường vẫn thường xuyên ập đến hành hạ vào những hôm trái gió, trở trời nhưng bệnh binh Đào Huy Sơn ở thôn Ô Xuyên, xã Cổ Bì (Bình Giang) vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Hơn 20 năm làm Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ, ông Sơn đã giúp thôn Ô Xuyên thay đổi nhiều mặt. Anh Phạm Phú Cách, công chức văn hóa - xã hội của xã Cổ Bì cho biết dù sức khỏe yếu do bị bệnh ở chiến trường nhưng về quê hương ông Sơn luôn phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, đi đầu trong nhiều phong trào của địa phương. Khi Cổ Bì xây dựng nông thôn mới, ông Sơn sẵn sàng cùng vợ mang "sổ đỏ" của gia đình đi thế chấp vay tiền ngân hàng trước để thôn làm đường giao thông liên xóm và nội đồng, bỏ ngoài tai lời gièm pha “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. 

Đây cũng là một trong bốn thôn đầu tiên của huyện Bình Giang được công nhân danh hiệu làng văn hóa. Ông Sơn cho biết: “Giữ lời thề với đồng đội nếu còn sống trở về sẽ cống hiến hết mình cho quê hương, chúng tôi quyết giữ tinh thần và ý chí của người lính ngay ở thời bình”.

Ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách), thương binh Dương Bá Việt là người uy tín của địa phương. Khi làm công tác Đoàn, ông được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Khi giữ trọng trách Bí thư Đảng ủy xã, ông đã giúp địa phương giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm gây mất đoàn kết trong nhân dân, tham mưu xây dựng các chính sách giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1993 nghỉ hưu, ông Việt lại dành tâm sức phát triển kinh tế, nhận ruộng trũng, bỏ hoang của địa phương lập trang trại, thả cá, nuôi các con ăn học nên người. Năm 2012, ông Việt mở xưởng tái chế nhựa và phế liệu tạo việc làm cho con em nhiều gia đình chính sách, bộ đội phục viên và người khuyết tật. Gia đình ông gương mẫu hiến hàng trăm m2 đất để làm đường nông thôn mới của địa phương. Ông cũng vận động con cái gương mẫu trong công việc và cuộc sống để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Gia đình ông Việt hiện có 5 đảng viên, bố mẹ ông cũng là lão thành cách mạng.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thu Hiền nhận xét, về với quê hương, hàng nghìn thương binh, bệnh binh của Hải Dương vẫn luôn là những người đi đầu trong các phong trào của địa phương, là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay học tập và noi theo.

BẢO ANH