Ông Dũng thương binh xây dựng cơ nghiệp trăm tỷ
Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 09:12, 21/07/2023
Thương binh Chu Văn Dũng kiểm tra chất lượng nông sản sau sơ chế
Vượt qua gian khó
Đối với báo Hải Dương, ông Chu Văn Dũng, chủ Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn không phải là cái tên xa lạ. Từ hơn 20 năm trước, tấm gương người thương binh đi đầu trên mặt trận mới, làm kinh tế giỏi đã được báo phản ánh. Dõi theo chặng đường ông đi, chúng tôi càng khâm phục nghị lực phi thường của người thương binh này.
Năm 1968 khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Chu Văn Dũng lên đường nhập ngũ. Tháng 12.1971, tại trận đánh ở sân bay Tây Ninh, ông bị địch bắn vào tay trái rồi bị bắt làm tù binh và đày ra đảo Phú Quốc. Đến năm 1973, ông Dũng được trả tự do và về quê an dưỡng. Trở về quê hương với thương tật 61%, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông Dũng đã xây dựng nên một "đế chế" chế biến nông sản trị giá cả trăm tỷ đồng.
"Năm 1996, từ một cơ sở sản xuất chế biến nông sản nhỏ lẻ, tôi đã xây dựng thành Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn, tạo việc làm ổn định cho khoảng 80 lao động. Đến năm 2005, chúng tôi mở rộng kinh doanh đồ đóng hộp. Nguyên liệu chủ lực vẫn là các loại nông sản. Vùng sản xuất nguyên liệu của xí nghiệp trải dài từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng sang các nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...", ông Dũng cho biết.
Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát kèm theo thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều vùng trồng nông sản chịu ảnh hưởng nặng nề. Có thời điểm Hải Dương và cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên việc lưu thông hàng hoá bị ách tắc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn cũng vì đó mà gặp muôn vàn khó khăn, trong khi các đơn hàng vẫn đến dồn dập do nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày một lớn. Ông Dũng tập trung thu mua nông sản tại các vùng trồng trong tỉnh để vừa hỗ trợ bà con nông dân, vừa giúp xí nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định. Mặt khác, ông đề nghị tỉnh và trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hoá. Nhờ các quyết sách đúng đắn, ông Dũng đã giúp Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn đứng vững trước đại dịch.
"Trồng các loại nông sản ngoài yếu tố thị trường thì thiên tai và thời tiết cũng là một vấn đề lớn. Đã có những năm tôi mất trắng cả tỷ đồng vì mưa bão. Sau này có kinh nghiệm, tôi không tổ chức trồng đại trà mà xây dựng thành các vùng trồng chuyên canh. Tôi chỉ tập trung trồng một vùng, một giống vì thổ nhưỡng và khí hậu ở mỗi địa phương khác nhau nên phù hợp với từng loại cây khác nhau", ông Dũng nói. Hiện xí nghiệp của ông Dũng vẫn duy trì việc hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu các loại nông sản cho nông dân khi họ có nhu cầu.
Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn đang tạo việc làm ổn định cho 350 lao động địa phương
Khẳng định thương hiệu
Do có vùng trồng nguyên liệu rộng lớn nên các sản phẩm của Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn khá đa dạng. Hiện xí nghiệp này sơ chế, chế biến rất nhiều loại nông sản xuất khẩu như dưa chuột, dưa gang, dứa, măng, ớt, vải thiều, nhãn, cà chua, hành, tỏi... Thị trường xuất khẩu chính vẫn là các nước trong khu vực châu Á, châu Mỹ, phần nhỏ còn lại là cung cấp cho ngành quốc phòng trong nước. Hiện mỗi năm, Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn sơ chế khoảng 7.000 - 9.000 tấn nông sản các loại để xuất khẩu. Doanh thu từ năm 2019-2022 luôn duy trì từ 70-90 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2023, ước đạt 120 tỷ đồng do thị trường nước ngoài đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Để khẳng định thương hiệu, ông Dũng đã xây dựng 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm dưa chuột dầm dấm, cà chua dầm dấm, vải thiều ngâm đường, ớt muối, dưa chuột muối, dưa chuột bao tử muối. Theo ông Dũng, để tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng làm tăng giá trị nông sản, doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với nông sản tại địa phương, doanh nghiệp luôn ưu tiên thu mua và khuyến khích người dân mở rộng vùng canh tác.
Là chủ một doanh nghiệp lớn tại địa phương nên ông Dũng rất có trách nhiệm với cộng đồng. Hằng năm, ông đều trích khoảng 100 triệu đồng để phục vụ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Nhiều công trình, kiến trúc công cộng tại xã Vĩnh Hoà hiện nay có đóng góp không nhỏ của gia đình ông. Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hùng Sơn đang tạo việc làm ổn định cho 350 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó là bảo đảm đầu ra cho khoảng 200 ha nông sản của nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Ông Chu Văn Dũng là tấm gương sáng về nghị lực phi thường tại địa phương. Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Dũng đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý từ trung ương đến địa phương", ông Hà Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết.
ĐQ