[Audio] Ngang nhiên xâm phạm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:01, 19/07/2023

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải thuộc địa phận Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có những trường hợp chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý.


 Gia đình ông Trần Đình Thụ ở thôn Bình Long, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) tự ý đặt 9 trụ bê tông lấn chiếm lòng kênh Tràng Kỹ để chống đỡ tường bao từ năm 2021

Tình trạng xâm phạm hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải thuộc địa phận Hải Dương xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão.

Nhiều vi phạm

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 8 tuyến kênh chính gồm Kim Sơn, Cửu An, Tràng Kỹ, Đĩnh Đào, Lộng Khê - An Thổ, Lộng Khê - Cầu Xe, Tây Kẻ Sặt, kênh Cái với tổng chiều dài 124 km kênh trục chính và 270 km bờ kênh. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh diễn biến phức tạp.

Dọc tuyến kênh Tràng Kỹ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng từ ngã ba Phúc Cầu (xã Cẩm Phúc) đến cầu Guột dài 12,7 km nhưng có ít nhất 3 vi phạm nổi cộm. Điển hình là hộ ông Trần Đình Thụ ở thôn Bình Long (xã Lương Điền) tự ý đặt 9 trụ bê tông lấn chiếm lòng kênh từ năm 2021. Tháng 2.2023, hộ bà Vũ Thị Loan ở thôn Bình Phiên (xã Ngọc Liên) tự ý đóng cọc tre, xếp bao tải đất lấn chiếm lòng kênh phía bờ hữu kênh Tràng Kỹ dài 20 m, rộng 3 m. Gần đây hơn ngày 30.6, Trạm Quản lý công trình Sông Sặt (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) phát hiện hộ ông Đào Văn Thanh ở thôn Chi Thành (xã Tân Trường) tự ý đổ rác thải xây dựng san lấp khoảng 10 m chiều dài phía bờ tả kênh Tràng Kỹ.

Theo Phòng Quản lý công trình (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải), không chỉ ở kênh Tràng Kỹ, tình trạng vi phạm hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải diễn ra ở nhiều tuyến kênh khác trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang...  Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6 vừa qua có 48 vụ vi phạm mới phát sinh, chủ yếu là làm nhà kiên cố, nhà tạm, lều quán, xây tường bao trong hành lang bờ kênh, san lấp, lấn chiếm lòng kênh, hút cát dưới kênh. Điển hình như đầu tháng 3.2023, ông Nguyễn Đức Chì ở thị trấn Tứ Kỳ đã đào móng, lắp dựng ván khuôn, cốt thép móng nhà kiên cố trên 103 m2 trong phạm vi công trình kênh Đĩnh Đào. Tháng 5.2023, ông Phạm Văn Khôi ở thôn Lạc Thượng, xã Thống Kênh (Gia Lộc) xây nhà tạm rộng khoảng 20 m2 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại bờ tả kênh Đĩnh Đào thuộc địa phận thôn Tháng, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc)...


Nhà tạm rộng khoảng 20 m2 do ông Phạm Văn Khôi xây trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại bờ tả kênh Đĩnh Đào thuộc địa phận thôn Tháng, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc 

Chính quyền chưa sâu sát

Ông Nguyễn Văn Nhã, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình Sông Sặt cho biết hằng tuần trạm cử cán bộ kiểm tra dọc các tuyến bờ kênh do đơn vị quản lý 2 lần, kiểm tra trên sông 1 lần, khi phát hiện vi phạm đơn vị lập biên bản, đề nghị UBND các xã xử lý, yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ công trình, giải tỏa vật cản. Tuy nhiên, nhiều hộ không chấp hành.

Chính quyền một số địa phương cũng chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không có biện pháp mạnh ngăn chặn, để tình trạng vi phạm kéo dài như trường hợp của hộ ông Trần Đình Thụ nêu trên. Năm 2021, Trạm Quản lý công trình Sông Sặt, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Công ty CP Quản lý đường thủy Hải Dương đã nhiều lần mời đại diện UBND xã Lương Điền, các bên liên quan họp xử lý vi phạm của hộ ông Thụ nhưng chưa xử lý được. Chiều 14.7, chúng tôi làm việc với ông Phạm Công Hậu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên để tìm hiểu một số trường hợp vi phạm trên kênh Tràng Kỹ thì ông này chưa nắm rõ các vụ việc. Khi chúng tôi nêu trường hợp cụ thể, đưa biên bản, hình ảnh vi phạm của hộ bà Vũ Thị Loan từ tháng 2.2023, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên mới nói sẽ cho kiểm tra lại và trả lời chúng tôi sau.


Gia đình bà Vũ Thị Loan ở thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) tự ý đóng cọc tre, xếp bao tải đất lấn chiếm lòng kênh Tràng Kỹ

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải quản lý phần rất rộng từ bờ kênh đến lòng kênh. Tuy nhiên, trong phạm vi này hiện có 7.757 ngôi nhà của người dân đang sinh sống, do đó việc giải quyết các vi phạm xây dựng trên đất có "sổ đỏ" hoặc có trích lục bản đồ gặp nhiều khó khăn. Sau khi lập biên bản người dân vẫn tiếp tục xây dựng. Ông Phạm Văn Khôi cho biết do ông cha làm nghề thuyền chài di cư dọc ven sông Đĩnh Đào rồi hình thành nên khu, xóm cạnh sông ngày nay, nhiều nhà chưa có "sổ đỏ". "Chúng tôi muốn xây nhà mới hoặc phát sinh thêm công trình gì trong hành lang bảo vệ bờ kênh đều bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, yêu cầu tháo dỡ", ông Khôi nói.

Ngoài tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm, tuyên truyền, ký cam kết với người dân không lấn chiếm vi phạm, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và chính quyền các địa phương cần phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, đặc biệt là ngăn ngừa để không phát sinh vi phạm mới.

VĂN NGHIỆP