Phải giảm nhanh lãi suất cho vay
Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 18/07/2023
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng (NH) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NH Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là hạ lãi suất cho vay.
Tăng khả năng tiếp cận vốn
Thủ tướng chỉ đạo các NH thương mại rà soát điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa. Các NH cũng cần triển khai giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là không còn đủ tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng
Thông tin Thủ tướng yêu cầu giảm thêm và giảm nhanh lãi suất cho vay đã thu hút sự quan tâm của DN và thị trường. Bởi trong khoảng 3 tháng qua, NH Nhà nước đã có tới 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2 điểm %/năm nhưng thực tế mức giảm của lãi suất cho vay chưa nhiều và vẫn còn cao. Các NH lý giải cần độ trễ để lãi vay giảm mạnh nhưng trong bối cảnh DN và nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại, việc giảm nhanh lãi suất cho vay là cần thiết. Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) nhấn mạnh mức lãi vay trên 10%/năm vẫn là rất cao trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Các doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp kéo lãi suất về dưới 8%/năm mới được xem là phù hợp.
Xung quanh câu chuyện giảm thêm lãi suất, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định vấn đề không chỉ là dư địa giảm thêm lãi suất thời gian tới mà cần đẩy độ trễ giảm lãi vay lên nhanh hơn. Bởi NH Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng về cơ bản đã giảm khoảng 1 điểm % lãi suất huy động và lãi suất cho vay. "Như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, tổ chức tín dụng cần tiếp tục giảm chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay từ khoảng 1,5 - 2 điểm % để vẫn bảo đảm mức độ hấp dẫn của lãi suất tiền gửi, vừa bảo đảm hỗ trợ DN, người dân và kích cầu tín dụng" - TS Cấn Văn Lực nói.
Đồng bộ nhiều giải pháp cùng lãi suất
NH Nhà nước cho biết tính đến 30-6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, là mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong bối cảnh NH thương mại dư thừa vốn, room tín dụng dồi dào nhưng nhiều DN không thể tiếp cận được do không đáp ứng yêu cầu về thế chấp tài sản. Đơn cử việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Nhiều DN cho biết không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
Về vấn đề này, NH Nhà nước cho biết đã rà soát, sửa đổi quy định pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng với Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay. Trong đó, bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và DN như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến NH, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn… NH Nhà nước cũng kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Bà Yun Liu - chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu thuộc Ngân hàng HSBC - nhận định NH Nhà nước Việt Nam đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II khi cắt giảm lãi suất điều hành. Cùng với đó là lạm phát hạ nhiệt, tỉ giá USD/VNĐ tương đối ổn định cũng hỗ trợ việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, VNĐ có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang giảm dần. "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV năm nay khi NH Nhà nước gia tăng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, cụ thể là sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III, đưa lãi suất điều hành về 4%/năm. Điều này có thể đảo ngược nỗ lực thắt chặt tiền tệ trong năm ngoái và tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ COVID-19" - Yun Liu nói.
Về mặt tài khóa, nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa khác nhau với mức độ gần như tương đương với giai đoạn COVID-19 như giảm 2% thuế GTGT cho một số lĩnh vực, hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng, cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel…
Cải cách thủ tục hành chính TS Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm lãi suất phải được thực hiện đồng bộ với các nhóm giải pháp khác về tài khóa, giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường bất động sản, xây dựng, xuất khẩu nông sản hay các vướng mắc của DN hiện tại về phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… Ngoài ra, cần quyết liệt hơn trong thực thi công vụ, cải cách thủ tục hành chính từ đó mới tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn và việc giảm lãi suất mới thực sự có ý nghĩa, đem lại hiệu quả thiết thực. |
Theo Người lao động