Cùng con đi du lịch

Gia đình - Ngày đăng : 08:19, 17/07/2023

Những trải nghiệm mới lạ khơi dậy sự tò mò, kích thích giác quan, có thể lưu lại ấn tượng hơn đối với trẻ nhỏ và khuyến khích học tập tích cực.

Không ít cha mẹ mong muốn một chuyến du lịch tuyệt vời, đáng nhớ cùng con nhưng họ đắn đo không biết có nên dẫn con vi vu khi con còn quá nhỏ?

Câu trả lời của các chuyên gia là nên. Bởi lẽ dù trẻ nhỏ có thể không nhớ từng chi tiết nhưng bé sẽ có ấn tượng lâu dài.

Không chỉ là ký ức

Tờ Washington Post dẫn câu chuyện của anh Chris Schalkx, người Hà Lan hiện sống ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), chuyên viết bài cộng tác với báo chí mảng du lịch. Việc đưa con nhỏ theo chân hai vợ chồng anh đi khắp thế giới là chuyện không có gì lạ. Những bước đi chập chững đầu đời của cậu bé là trên sàn trải chiếu tatami ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). 

Ở tuổi lên 4, cậu bé đi nhiều hơn cả cha mẹ. Hai vợ chồng hồ hởi khoe với một người bạn rằng sắp tới sẽ cho bé tham gia chuyến đi săn đầu tiên trong đời ở châu Phi. Thế nhưng, người bạn tỏ ra không mặn mà với ý tưởng đó: 

"Anh chị biết bé sẽ chẳng nhớ gì hết mà!". Nghe vậy, hai vợ chồng tự hỏi: Liệu con trai có nhớ chút gì về những năm tháng chập chững đi khắp thế giới hay không? Liệu những chuyến du lịch đó có trở nên vô ích?

Cùng con đi du lịch - Ảnh 1.

Đi du lịch cùng con nhỏ sẽ là trải nghiệm tuyệt vời cho cả cha mẹ và các bé Ảnh: PARENTS.COM

Trong bữa ăn tối, hai vợ chồng dò hỏi con trai xem có ấn tượng gì về các chuyến du lịch trước kia. Mảng ký ức mơ hồ lướt nhanh trong đầu, cậu con trai kể về ngọn hải đăng nhìn thấy ở TP Galle, miền Nam Sri Lanka, vào năm 2 tuổi. 

Bé quên mất chuyến tàu kéo dài 7 giờ qua các đồn điền chè của Sri Lanka. Bé cũng không nhớ chuyến cùng cha mẹ lê bước trên Vạn Lý Trường Thành phủ đầy tuyết ở Trung Quốc, vài tháng trước khi gia đình vi vu tại Sri Lanka. Cũng như chẳng ấn tượng gì đến chuyện cả nhà uống mojito ở Cuba vào đêm giao thừa cùng năm đó. 

Thế nhưng, bé có thể mô tả sinh động lần đi chơi trong rừng phía Bắc Thái Lan ngay sau sinh nhật lần thứ 3. Bé nhớ màn trình diễn ánh sáng tại khu phức hợp Marina Bay Sands trong chuyến đi Singapore vào cùng năm. Bé kể rõ mồn một chuyện cưỡi ngựa và đá bóng với các chú tiểu ở Bhutan một năm sau đó.

Theo giải thích của các nhà thần kinh học, nhà tâm lý học và chuyên gia phát triển trẻ em, hầu hết trẻ bắt đầu lưu giữ những ký ức vào khoảng 4 tuổi nhưng một số trường hợp có thể chậm vài năm. Rebecca Weksner, nhà tâm lý học nhi khoa tại bang Massachusetts (Mỹ), nói: "Một đứa trẻ có thể nhớ lại chuyến đi vì trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ đến mức tạo ra dấu vết ký ức lâu dài, trong khi đối với đứa trẻ khác thì không như thế".

Với Jessica Sproat, chuyên gia về phát triển trẻ em ở TP Vancouver (Canada), người thường xuyên cho đứa con 3 tuổi tham gia các chuyến phiêu lưu ở vùng hoang dã Canada, du lịch mang lại nhiều trải nghiệm mới. Do đó, hoạt động này có khả năng kích hoạt các vùng khác nhau của não bộ. Những kích hoạt này tăng cường kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não và tăng khả năng thay đổi, thích nghi để đáp ứng với những trải nghiệm mới, giúp tăng khả năng học tập.

"Bí kíp" bỏ túi

Tờ Washington Post nêu ra một số "bí kíp" đi du lịch nước ngoài với trẻ dưới 5 tuổi từ các chuyên gia. Đầu tiên là cho trẻ nhỏ tiếp xúc với thực phẩm, ngôn ngữ, động vật, khí hậu mà chúng chưa từng tiếp xúc, sẽ giúp trẻ phát triển sự đồng cảm, khả năng thích ứng và kỹ năng xã hội.

Chuyên gia Jessica Sproat giải thích: "Những trải nghiệm mới lạ khơi dậy sự tò mò của trẻ em và khuyến khích học tập tích cực". Trong khi đó, nhà phân tâm học Claudia Luiz nhấn mạnh tầm quan trọng của "những ký ức tiềm ẩn", mặc dù những ký ức rõ ràng về chuyến đi có thể phai mờ.

Nhà tâm lý học lâm sàng Melanie English (ở bang Washington, Mỹ) cha mẹ khơi gợi cho trẻ hứng thú về một điểm đến mới bằng cách đọc sách, xem video về phong cảnh, con người và động vật mà trẻ có thể gặp ở địa phương đó. Hơn nữa, những việc như để trẻ lựa chọn hoạt động vui chơi hoặc thử chọn món ăn mới… sẽ hỗ trợ phát triển các kỹ năng nhận thức và điều hành sau này.

Chuyên gia Jessica Sproat đề cao tầm quan trọng của việc vui chơi và kết nối trong chuyến du lịch. Bà giải thích: "Trẻ em học tốt nhất thông qua chơi và muốn kết nối hơn bất cứ điều gì khác".

Bà khuyên các bậc cha mẹ nên chú ý đến nét mặt của trẻ để nhận biết điều gì khiến con hứng thú, sau đó trò chuyện về cảm nhận của con. Theo chuyên gia tâm thần học lâm sàng Ryan Sultan thuộc Trường Đại học Columbia (Mỹ), những chuyến du lịch kích thích giác quan có thể lưu lại ấn tượng hơn đối với trẻ nhỏ.

Theo VTC