Hồn thơ tinh tế, đậm suy tư trong "Buông"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:46, 16/07/2023

Đọc "Buông" của nhà thơ Hà Cừ, người đọc nhận ra hồn thơ của ông đậm chất suy tư, rất giàu sức gợi, cháy bỏng một tình yêu cuộc đời.

Nhà báo, nhà thơ Hà Cừ

Được biết nhà thơ Hà Cừ đã làm việc cần mẫn trong các lĩnh vực báo chí, văn chương, hội họa. Ở mảng nào ông cũng để lại những thành công và dấu ấn. Riêng mảng thơ, ông viết khá nhiều và đều đặn. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ như: "Gió chân mây" (1998); "Dòng sông năm tháng" (2005); "Thăm thẳm cõi người" (2008); "Dấu chân trong cỏ" (2010); "Những bước chân đi qua chiều" (2014); "Buông" (2018); "Hai và bốn và những bài thơ khác" (2018)... Mỗi tập thơ đều in đậm phong cách rất riêng, không lẫn với ai.

Đọc tập thơ "Buông" (2018) của nhà thơ Hà Cừ, ta nhận ra một hồn thơ cô đọng, hàm súc, đậm suy tư, giàu sức gợi, nhạy cảm trước bước đi của thời gian và trong trẻo một tình yêu đằm thắm trước thiên nhiên, con người và cuộc sống.

Nhan đề của tập thơ "Buông" rất ấn tượng bởi nó rất ngắn, chỉ có một từ mà đa nghĩa. Tên của tập thơ được lấy từ nhan đề của bài thơ cùng tên trong tập: "Mùa xuân đang nói điều gì/Mà nghe hoa cỏ thầm thì cỏ hoa/Em buông xanh gió hiên nhà/ Long lanh buông cả nõn nà đầy giêng".   

Đọc toàn tập, ta nhận ra sự cô đọng, hàm súc trong thơ Hà Cừ được thể hiện trước hết ở cách đặt tên cho tác phẩm. Trong số 45 bài thơ thì có tới 17 bài có nhan đề một chữ (Hoa, Biển, Chín, Trách, Mai, Mưa, Tin, Cây, Đền, Mưa, Gió, Sen, Nắng, Buông, Nhuộm, Tìm, Sớm). Chỉ với một chữ thôi nhưng đã gói ghém được cả hồn cốt nội dung. Bài "Nhuộm" là một ví dụ: “Nắng vàng nhuộm lá, nhuộm cây/Lòng anh nhuộm nỗi nhớ ngày em xa!".

Đọc "Buông" của Hà Cừ, người đọc nhận ra hồn thơ của ông đậm chất suy tư, rất giàu sức gợi: "Nắng thì vẫn nắng ngày xưa/ Mưa thì vẫn những hạt mưa cũ càng/ Mây bay vẫn chẳng vội vàng/ Dòng sông thì vẫn dềnh dàng phù sa/ Trách gì năm tháng vội qua/ Ta giờ đâu phải còn là ngày xưa/ Trách gì cải đã thành dưa/ Nghe như lòng đổ trận mưa trắng chiều" (Trách).

Đọc tập thơ, ta còn nhận ra sự tiếc nuối của thi nhân trước sự trôi chảy của thời gian. Cũng phải thôi. Mới xuân đó mà hạ đã vèo qua, thu tàn, đông đến. Và tuổi trẻ của người ta thì vụt bay như bóng câu qua cửa, mái tóc xanh ngày nào giờ đã điểm bạc. Giữa dòng đời xuôi ngược, một lúc nào đó dừng lại vài phút giây lắng đọng mà cảm nhận, có lẽ hiếm ai không bồi hồi trước sự tuần hoàn vô định mà hà khắc của thời gian. Chỉ có điều viết thành thơ thì không dễ. Bằng tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ Hà Cừ đã nói hộ bao người: "Mùa đông lấp ló bên thềm/ Áo khăn ai đã ấm mềm bờ vai/ Chừng nghe tiếng gió thở dài/ Thời gian mải miết trôi ngoài tầm tay" (Gió).

Tập thơ "Buông" của nhà thơ Hà Cừ

Đọc kỹ thơ Hà Cừ, ta nhận ra ở ông đang cháy bỏng một tình yêu cuộc đời. Tình yêu đó được thể hiện bằng một giọng thơ trầm lắng, man mác buồn khi cảm nhận Tết sắp về đồng nghĩa với thời gian còn lại của mỗi người sẽ mỏng đi, xuân xanh cứ lùi xa vời vợi như vuột khỏi tầm tay. Không tinh tế, nhạy cảm, yêu đời thì sẽ không bao giờ có được những vần thơ thấm đượm cảm xúc như vậy. 

Cô đọng, giàu sức gợi, nhạy cảm trước bước đi của thời gian mới là một nửa của tập thơ “Buông”. Nửa còn lại là những cảm xúc sâu lắng, thể hiện một tình yêu trong trẻo của Hà Cừ đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người: “Có một chiều rất lạ tự xa xôi/ Cho mình gặp nhau giữa mùa thu mê đắm/ Mây trắng như bông, bầu trời xanh thẳm/ Bốn phía chừng thức dậy ngát hương hoa”... (Không đề với mùa thu).

Mùa trong thơ Hà Cừ có cả xuân, hạ, thu, đông nhưng lắng sâu nhất vẫn là những xúc cảm trước mùa thu. Phải chăng đứng trước heo may se lạnh, thi nhân dễ động lòng nhớ thương, trắc ẩn? Phải chăng thu về gợi cho thi nhân bao hoài niệm xa vời của xuân, hạ đã qua? Và thu đến cũng là lúc con người đủ trưởng thành, cứng cáp trước giông gió cuộc đời? Có lẽ là tất cả. Những câu thơ về mùa thu của Hà Cừ vì thế mà nhưng nhức nỗi niềm, tâm trạng: “Tôi và em bây giờ đâu còn trẻ/ Ngày tháng lùi xa, ngày tháng đã xa rồi/ Sao vẫn thấy mùa thu về gõ cửa/ Thu vẫn về xao động trong tôi?... Mùa thu về gặp sợi nắng đầy tay/ Mềm như lụa mà không cầm bắt được/ Khao khát quá, khao khát như điều ước/ Thu lại về đánh đắm cả trời mây” (Trở lại với mùa thu).

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng nhận xét về mùa thu trong thơ Hà Cừ: “Dường như mùa thu ám ảnh Hà Cừ mỗi khi tâm hồn anh xao xác vui buồn. Mù thu trong thơ anh quá nhiều cung bậc, từ tả cảnh thu đến tả tình thu đều một cách tự nhiên không chút khiên cưỡng, gò ép... ngỡ như mùa thu đã thuộc về người thơ và người thơ đã thuộc về mùa thu vậy”.

Đọc tập thơ “Buông” của Hà Cừ, ta thấy nét đặc sắc nghệ thuật trong thơ ông là thể thơ tự do, xen những bài lục bát rất ngắn (chỉ có hai câu). Thơ ông cô đọng, hàm súc, giàu chất hội họa, ngôn từ trau chuốt như cô gái đẹp không tì vết. Bài nào trong “Buông” cũng đậm chất suy tư, chiêm nghiệm, hàm ẩn những triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan và thao thiết một tình yêu mặn nồng, trong trẻo với cuộc đời. Với tất cả sự tinh tế và lắng đọng đó, “Buông” đã thật sự neo đậu và đọng lại nhiều dư ba trong lòng người đọc.

VŨ THANH HƯNG