Đợi chờ
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:29, 16/07/2023
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Yên lấy Đồng từ năm 16 tuổi, kém chồng một tuổi. Yên và Đồng cùng làng lại chung hoàn cảnh nên dễ thương yêu nhau. Yên yêu Đồng và yêu cả cái tuổi thơ dữ dội của anh. Đồng đi ở đợ từ năm 10 tuổi. Ngày ấy chuyện lấy chồng lấy vợ sớm là bình thường ở mọi vùng nông thôn miền Bắc. Hương lửa đang nồng thì Đồng tòng quân tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, để lại trong lòng Yên mầm sống được vài tháng. Đó là khoảnh khắc mà Yên biết chắc rằng dù Đồng có đi bao lâu cũng không thể quên được. Từ ngày chồng nhập ngũ, ngôi nhà Yên vắng hẳn tiếng người. Ba người anh ruột của Yên thương em nên thi thoảng lại chạy sang thăm hoặc cho con sang chơi cho em đỡ hiu quạnh. Đến ngày khai hoa, Yên sinh được một cô con gái. Sau này vì cuộc sống mưu sinh, người con gái là giáo viên cắm bản lại lấy chồng trên Tây Bắc nên ít có điều kiện về thăm mẹ.
Từ ngày con gái lấy chồng, người làng không gọi Yên bằng cô, bằng chị nữa mà gọi bằng bà Yên để tỏ lòng tôn trọng. Thấy mẹ lụi cụi vào ra trong cảnh cô đơn, vợ chồng người con gái muốn đón bà lên phụng dưỡng nhưng bà không đồng ý. Bà bảo:
- Đâu cũng trời đất này. Cái khó cái khổ nào phải của riêng ai.
Thực ra trong thâm tâm bà không muốn con cháu vì vướng bận thêm mình mà vất vả. Nào chúng nó có khá giả gì cho cam, cũng tay làm hàm nhai. Điều quan trọng là bà không muốn rời quê cha đất tổ, rồi đây ông Đồng trở về biết mẹ con bà ở đâu mà tìm. Lần cuối cùng hai vợ chồng gặp nhau đã hai chục năm, bà một lòng nuôi con chờ chồng. Ban ngày bà đi làm và dành phụng dưỡng bố mẹ chồng, buổi tối dành cho con gái. Phần đêm còn lại bà dành cho người chồng nơi hòn tên mũi đạn. Không một mẩu tin chính thức nào về chồng. Toàn tin đồn. Tin buồn cũng nhiều mà tin vui cũng lắm. Dù thế nào bà vẫn tin tưởng ông Đồng còn sống khỏe mạnh. “Nhất định nhà em sẽ trở về”- bà khẳng định với người anh ruột như thế khi mỗi lần anh khuyên: “Con gái có thì”.
Những lần như thế bà lại nhớ ngày 30.10.1954, dù cách xa thị xã hơn hai chục cây số bà vẫn ôm đứa con còn bé lên tỉnh đón đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thị xã, cùng hy vọng tràn trề sẽ được gặp chồng. Cờ đỏ sao vàng rợp trời. Quân và dân đông ngàn ngạt tại quảng trường. Chen chúc, tìm kiếm cả một ngày trời mà không tìm thấy. Bà đành ôm con trở về mà lòng buồn vời vợi, đôi chân mỏi rã rời. Về đến nhà bà Yên bất ngờ, ông Đồng đã có mặt từ đầu giờ chiều. Niềm vui không sao kể xiết. Bà ôm lấy chồng vừa khóc vừa đấm thùm thụp vào ngực chồng hỏi một câu vô nghĩa:
- Sao bây giờ anh mới về?
Ông Đồng cười:
- Về bây giờ là sớm lắm mình ạ.
Ở với vợ được ba hôm, ông Đồng khoác ba lô lên đường. Bà ngạc nhiên hỏi:
- Hòa bình rồi mình còn đi đâu nữa?
Ông Đồng bảo:
- Còn nửa nước chưa được hưởng hòa bình. Công việc của tôi còn dang dở. Hẹn hai mẹ con 2 năm sau tôi sẽ về ở hẳn với mình.
Chiến tranh không thể nói trước được điều gì. Cuộc trường chinh của dân tộc để đi đến thống nhất đất nước kéo dài. Và lời hẹn của ông Đồng với vợ cũng dài thêm. Không phải dài gấp ba gấp bốn lần mà dài gấp hơn 10 lần cái hẹn hai năm. Hơn hai mươi năm nuôi con chờ chồng như bà Yên trên đất nước này nhiều lắm. Dù chiến tranh có ác liệt đến đâu, dù kéo dài bao lâu họ vẫn có một niềm tin sắt đá rằng sẽ có một ngày đất nước thống nhất. Và ngày đó rồi cũng đến. Năm 1975, đất nước rợp cờ hoa chiến thắng. Bà Yên lại đỏ mắt ngóng tin chồng. Đêm đêm bà lắng nghe chờ đợi tiếng bước chân quen thuộc của chồng mình. Một tháng, hai tháng rồi một năm trôi qua. Những người có thể trở về đã trở về. Thế mà ông Đồng vẫn bóng chim tăm cá. Bà hỏi thăm nhiều người, thậm chí lên hẳn huyện đội hỏi về trường hợp của chồng nhưng không ai biết ông Đồng thuộc đơn vị nào. Hằng ngày mỗi lần nhìn chiếc xe khách dừng trên đường tỉnh qua làng là mỗi lần lòng bà lại khấp khởi. Bà lại mừng hụt. Ba người anh ruột an ủi:
- Cô yên tâm, người như chú ấy không thể chết được. Chắc vì vướng bận công việc nên chưa thể về.
Như người đang chới với giữa dòng nước, bà Yên bám vào lời động viên ấy như một cái phao cứu sinh.
Phải đến hơn một năm sau ngày giải phóng ông Đồng mới về. Ông trở về khoẻ mạnh phong độ. Ông mặc thường phục, đội mũ mềm có cái lưỡi trai dài trông đến lạ mắt. Trông ông giống như một công chức thời còn chính quyền Sài Gòn. Không những chỉ bà Yên vui mà cả họ mạc làng xóm cũng sang chung vui. Từng bát nước chè xanh, từng cái kẹo Hải Châu được bà Yên trao tận tay mọi người. Bà làm vậy để cố đè nén niềm vui đang tràn ngập trong lòng. Nhìn vợ không còn như thời con gái, ông Đồng hiểu vợ ông đã gánh vác mọi gian nan vất vả thay ông để mang lại niềm vui cho gia đình nhà chồng. Tối hôm ấy mọi người đến chật căn nhà bé nhỏ của bà Yên nghe ông Đồng kể chuyện. Người ta hỏi ngần ấy năm ông sống ở miền Nam sao mà không gửi tin gì ra Bắc? Hòa bình cả năm sao giờ mới về? Hiện ông là cấp gì trong quân đội? Ông Đồng bảo:
- Tôi là người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng. Sau ngày giải phóng tình hình chính trị, kinh tế-xã hội chưa ổn định nên chúng tôi phải chia nhau về. Về hết thì lấy ai bảo vệ thành quả vừa giành được.
Người khác lại hỏi:
- Giờ ông về hẳn hay còn tiếp tục phục vụ quân đội?
Ông Đồng trả lời:
- Tôi vừa được cấp trên cho nghỉ hưu.
Bà Yên thở ra nhè nhẹ như người vừa cất được gánh nặng. Từ nay bà không còn phải sống trong cảnh nấu cơm một lần ăn ba bữa nữa. Bà không cần vinh hoa phú quý. Bà cần vợ chồng có nhau chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn.
Hôm sau ông Đồng ra vườn chặt tre, chẻ lạt, đan tranh lợp lại cái mái nhà bị dột nát nhiều năm. Các anh bà cùng sang làm giúp. Nhà bà lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Ngôi nhà trở nên sáng sủa, cứng cáp. Đã có hơi người đàn ông vào ra, thêm tiếng nói căn nhà ấm áp hẳn lên. Những ngày này bà Yên vui như Tết. Nhiều lúc bà tự hỏi: “Đây là mơ hay thật?”. Bà lại có được cái cảm giác ngây ngất khi ngắm chồng ngủ say. Bà mong sao cái khoảnh khắc tuyệt vời này dừng lại mãi. Để bà được hưởng trọn vẹn niềm vui sau nhiều năm xa cách. Bà lại nhớ cái ngày biết tin bà có thai cách nay đã mấy chục năm, chồng bảo: “Nếu nó là con trai, hai bố con tôi sẽ bảo vệ mình. Nếu nó là con gái thì tôi sẽ bảo vệ cả hai mẹ con”. Thế là ông ấy đã trở về thật rồi.
Ông Đồng ở với vợ thật lâu. Vào một ngày mưa gió, ông Đồng thu xếp ba lô chuẩn bị quay lại Sài Gòn. Sau bữa cơm chiều muộn, ông Đồng nói với vợ:
- Tôi không mong mình tha thứ cho tôi. Chỉ mong mình hiểu vì nhiệm vụ nên tôi phải kết hôn giả với người đồng chí trong tổ điệp báo. Lộng giả thành chân. Chúng tôi không giữ được bản lĩnh của người chiến sĩ. Nay người vợ thứ hai này cùng bốn đứa con, hai trai hai gái đang ở trong TP Hồ Chí Minh.
Bà Yên choáng váng như có ai cầm thanh củi đập vào đầu, như người bước hụt chân. Bà định lùi lại thì ông đã nắm tay bà nói:
- Tôi xin lỗi. Tôi biết mình ích kỷ. Giờ mình muốn xử sao tôi cũng chấp nhận.
Bà giận chồng vô cùng. Hóa ra công lao hơn hai chục năm nuôi con chờ chồng của bà được trả công như thế này ư? Bà muốn tung hê tất cả, muốn đập phá tất cả. Thậm chí ngôi nhà vừa được chồng sửa chữa khang trang bà cũng muốn cho một mồi lửa. Ông Đồng còn nói nhiều nữa nhưng tai bà ù đặc. Suốt đêm hai vợ chồng không ai chợp mắt nổi lấy một giây. Ông ôm bà vào khuôn ngực nóng hổi của mình như an ủi. Tất cả đã qua đi. Chỉ tình yêu đọng lại. Ông Đồng im lặng. Bà Yên đủ tinh tế để biết khi nào cần nói, lúc nào phải im lặng. Nhưng trong lòng bà từng cơn giông tố đang nổi lên hết đợt này đến đợt khác.
Bản thân bà không biết bao đêm phải dậy xay thóc, giã gạo. Lắm khi thóc gạo hết thì đổ trấu vào xay, giã để dập tắt ngọn lửa lòng đang bùng cháy dữ dội. Vậy thì người chồng cũng thế thôi. Cũng là con người chứ đâu phải gỗ đá. Trường hợp như bà xảy ra rất nhiều trên đất nước này sau hai mươi năm chiến tranh. Ông ấy còn trở về nguyên vẹn hình hài, khỏe mạnh là hơn rất nhiều người không trở về. Bao nhiêu người vợ, người con gái không còn cơ hội gặp lại người thân của mình. Các anh đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Vậy thì hà cớ gì bà lại giận, lại hờn trách chồng? Bà đợi chờ chồng và ông đã về. Thế là đủ. Gần sáng bà không còn giận chồng nữa. Tất cả do hoàn cảnh tạo nên. Tiếng ông Đồng khẽ khàng:
- Bà không giận tôi chứ?
Bà cố ghìm lòng mình, nói nhẹ nhàng:
- Mình cứ yên tâm vào Nam.
Gần Tết năm ấy nhà bà Yên bỗng rộn rã tiếng nói cười. Dân làng Hạ lại một lần nữa ngạc nhiên như cái lần ông Đồng bất ngờ trở về. Lần này ông Đồng về cùng người vợ thứ hai tên Thoa và một đàn con, cháu. Bà Yên lặng người nhìn tình địch của mình mà nấc nghẹn. Cả hai người đàn bà tóc đã bạc trắng quá nửa đầu. Người con đầu của bà Thoa chắp tay thưa: “Má ơi, anh em chúng con đều là con của má. Xin phép má cho gia đình chúng con ăn Tết ở đây ạ”. Bà Thoa rưng rưng trong màn nước mắt: “Em cảm ơn tấm lòng bao dung nhân hậu của chị. Thưa chị Hai. Em thương chị lắm”. Bà Yên không thể nói nên lời. Từng giọt nước mắt nóng hổi của bà Thoa rơi xuống bàn tay bà Yên. Bà cảm nhận được những giọt nước mắt ấy đang lặn sâu vào da thịt mình. Giờ đây bà Yên có thêm một người em. Con gái bà có thêm bốn người em. Hàng xóm láng giềng ai cũng mừng vui trước cảnh đại gia đình sum vầy.
Những năm tháng sau, khi thì bà Yên ở quê, khi được các con của bà Thoa rước vào Nam sinh sống. Chúng đưa bà Yên đi thăm thú những nơi mà bà mới chỉ nghe đến tên. Tình cảm của bà Yên với bà Thoa thắm thiết như tình chị em ruột. Bà chưa từng có cảm giác lạc lõng nơi đất lạ. Những người con của bà Thoa muốn giữ bà ở lại để phụng dưỡng nhưng bà Yên vẫn muốn trở về căn nhà cũ của mình.
Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đâu chỉ có hy sinh xương máu mà còn cả những hy sinh thầm lặng cùng những nghĩa cử cao đẹp, bao dung. Đã có những cuộc tình đợi chờ như thế đi qua một giai đoạn lịch sử như thế.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN