"Ngoại giao cây tre": Nâng cao tầm vóc Việt Nam trên trường quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 09:40, 15/07/2023
Việt Nam chủ trì phiên họp của Ủy ban của Hội đồng Bảo an LHQ về Nam Sudan ngày 29.1.2021
Chính sách ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để "dung hòa" với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với các lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như của khu vực.
Chính sách này duy trì nền độc lập để bảo vệ lợi ích quốc gia và vì lợi ích của người dân. Đây là nhận định của cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan.
Theo cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo chính trị và một chính khách giàu kinh nghiệm, đã đánh giá rất thực tế về môi trường quốc tế hiện nay và đưa ra những đề xuất dựa trên trường phái hành động.
Nghệ thuật "Ngoại giao cây tre" là cắm rễ vững chắc trong khi thân mềm dẻo linh hoạt theo hướng gió.
Sự so sánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chính sách đối ngoại phản ánh chính xác cách tiếp cận của Việt Nam đối với các vấn đề đối ngoại, đó là tận dụng tốt nhất các cơ hội và ngoại giao sẵn có để thúc đẩy lợi ích của người dân Việt Nam.
Học giả Ấn Độ lưu ý tại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khuyến nghị tìm kiếm cơ hội ở môi trường bên ngoài và tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư đề nghị tận dụng ngoại giao để thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Niềm tin vững chắc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về việc tất cả các tranh chấp có thể được giải quyết một cách hòa bình đã tạo nên nền tảng cho khái niệm Ngoại giao cây tre.
Ông Pradhan cho rằng chính sách "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam đang mang lại nhiều lợi ích.
Việt Nam đang từng bước có những động thái hướng tới hòa bình trong khu vực. Vai trò của Việt Nam trong ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được nâng tầm đáng kể.
Trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã chủ trì hơn 30 phiên họp thảo luận về các vấn đề an ninh ở Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi và Tây Phi.
Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình và các phái bộ chính trị của Liên hợp quốc tại Yemen, Cyprus và Libya đã được rà soát và có phương hướng phù hợp.
Đáng chú ý, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chủ trì thành công hai cuộc họp quan trọng về việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và hợp tác giữa Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với ASEAN.
Ông Pradhan đánh giá Việt Nam được khen ngợi vì đã xử lý khéo léo các tình huống tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khái niệm về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), tương tự như khái niệm về Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Những bước đi này đã nâng cao đáng kể tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Pradhan nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, từ đó xác định cách tiếp cận đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ cũng chỉ ra sự kế thừa trong quan điểm tận dụng các kỹ năng ngoại giao để duy trì liên kết với tất cả các cường quốc nhằm giải quyết mọi vấn đề.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận Hội nghị Versailles năm 1919 để giải quyết vấn đề quyền tự quyết chính trị của Việt Nam thông qua đàm phán.
Sau này, ngay cả khi quan hệ với Pháp trở nên căng thẳng trong giai đoạn 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Khía cạnh quan trọng nhất trong niềm tin vào hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa trên khái niệm “thêm bạn bớt thù.”
Tương tự như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin rằng nên sử dụng toàn bộ tiềm năng của ngoại giao để giải quyết các vấn đề và nên tránh chiến tranh ở mức độ có thể.
Ông Pradhan đánh giá quan niệm về hòa bình, hữu nghị vì sự phát triển như vậy rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chương trình làm việc tại Hiroshima, Nhật Bản, sáng 20.5.2023
Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hiện nay và tác động của chính sách "Ngoại giao cây tre" đến sự phát triển của mối quan hệ song phương, ông Pradhan nhấn mạnh quan hệ hai nước đang tiếp tục phát triển.
Điều đáng chú ý là quan điểm của hai bên có sự tương đồng về tất cả các vấn đề khu vực và quốc tế, đều mong muốn vấn đề được giải quyết thông qua ngoại giao.
Chính sách "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam và cách tiếp cận của Ấn Độ trong việc liên kết với tất cả các cường quốc là tương đồng và điều này rất quan trọng trong việc xây dựng quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Theo TTXVN