Tăng lương và sức hút giữ chân nguồn nhân lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 15/07/2023
Nhận phần lương được tăng từ ngày 1.7, chúng tôi – những viên chức lâu năm hồ hởi chúc mừng nhau. Nhiều - ít, ai cũng được tăng nên vui. Đây cũng là lần tăng mức lương cơ sở “ra tấm ra món” cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Nhân chuyện tăng lương, một đồng nghiệp chia sẻ, tuần qua gia đình chị có niềm vui khi cô con gái vốn từng trúng tuyển vào một bộ, nay lại nghỉ việc, thi và trúng tuyển vào một tập đoàn lớn với mức lương cao gấp 10 lần mức lương mà mẹ cháu đang hưởng. Trầm trồ với mức lương của cháu, nhiều người trong nhóm chúng tôi không nén được ao ước. Bởi nhiều người trong chúng tôi đã công tác gần 20 năm, nhưng tổng thu nhập đang hưởng chưa bằng mức lương của cô gái này khi đi tập sự...
Tất nhiên, so sánh là khập khiễng, bởi áp lực công việc, đòi hỏi về trình độ quá khác biệt. Để thi, trúng tuyển và được làm việc ở tập đoàn lớn này, con gái của đồng nghiệp chúng tôi phải có trình độ đẳng cấp quốc tế, tiếng Anh giỏi xuất sắc...
Niềm vui thoảng qua nhanh khi câu chuyện của chúng tôi lập tức quay lại cơm áo gạo tiền như thường lệ mà tất tật đều chỉ trông vào đồng lương. Nhưng chúng tôi bằng lòng vì biết đồng lương được hưởng là xứng đáng với công việc, trình độ và sức lực của mình bỏ ra.
“Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp" - báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Nội vụ công bố tuần qua có những dòng này. Đọc cho nhau nghe mà chúng tôi càng suy nghĩ. Đúng là việc công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc chẳng còn xa lạ. Ngay trong từng gia đình, từng cơ quan đều đã và đang có người xin thôi việc, bỏ việc. Lý do thì có rất nhiều, nhưng yếu tố tiền lương cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người nghỉ việc, bỏ việc.
Sau tăng lương cơ sở, bao giờ sẽ cải cách tiền lương? Đó là nhan đề một bài viết mà tôi đọc được trên báo Quân đội Nhân dân điện tử ngày 3.7 vừa qua. Đọc bài báo, tôi và nhiều đồng nghiệp băn khoăn, tiền lương rồi đây có đủ sức hút, đủ sức giữ chân công chức, viên chức trong bộ máy hành chính công? Ngay ở Hải Dương, chúng ta đã chứng kiến chỉ riêng 10 tháng của năm 2022, có 118 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ việc, trong số này có 106 người đã làm việc từ 10-20 năm. Từ năm 2021 đến hết tháng 4.2023, có 169 nhân viên y tế ở Hải Dương nghỉ việc. Việc rời bỏ bộ máy hành chính công, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công không còn xa lạ với ngày càng nhiều người sẵn sàng tìm những công việc mới với mức lương hấp dẫn hơn.
Trên Fanpage Báo Hải Dương, bình luận vào status “Hải Dương cần 1.394 giáo viên hợp đồng để bảo đảm định mức quy định” đăng ngày 12.7, có bạn đọc nói “nếu là giáo viên hợp đồng thì nên đi làm công ty”; rồi “cứ đi công ty mà lao động. Đủ 20 năm sau không thích làm thì về treo sổ chờ đủ tuổi rồi tận hưởng cuộc đời an nhiên tự tại”... Có thể thấy, lựa chọn trở thành công chức, viên chức, vào làm việc trong bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp không còn là ưu tiên, lựa chọn của nhiều người.
Đáng mừng là ngày 10.7 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt ở mọi lĩnh vực như hiện nay, càng thấy chỉ có thu nhập mới là chìa khóa quan trọng nhất để thu hút và giữ chân nguồn nhân sự.
LINH AN