Những điều ít biết về Thiền phái Tào Động ở Hải Dương

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:00, 14/07/2023

Ngay tại Hải Dương, một trong những trung tâm Thiền phái Trúc Lâm, còn có một thiền phái đã xuất hiện lâu đời cùng dòng chảy của Phật giáo Việt Nam - Thiền phái Tào Động.


Chùa Nhẫm Dương là chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam

Bền bỉ qua nhiều thế kỷ

Tông môn Động Sơn còn được gọi là Tào Động trong Phật giáo ở Việt Nam từ thế kỷ XVII cho đến sau này. Tào Động được coi như một thực thể Phật giáo sống động trong lịch sử, xã hội Việt Nam, mà chùa Nhẫm Dương của Hải Dương là một trong những địa điểm có sự hiện diện rõ ràng nhất của thiền phái này.

Nếu Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm thì thiền sư Thủy Nguyệt là vị tổ đầu tiên ở Việt Nam của Thiền phái Tào Động và là vị tổ thứ 36 của thiền phái nói chung. Theo các nhà nghiên cứu, Thiền phái Tào Động bắt nguồn từ Trung Quốc vào thế kỷ IX và du nhập vào Việt Nam ở thế kỷ XVII.

Thiền sư Thủy Nguyệt sinh năm 1637, quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm 1664, ông và đệ tử tu học tại chùa trên núi Phượng Hoàng, Hồ Châu (Trung Quốc) cùng hòa thượng Nhất Cú Trì (giáo tổ thứ 35) của thiền phái Tào Động. Năm 1667, ông trở về Việt Nam, cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Ðông Triều, tỉnh Hải Dương.

Sau khi về Việt Nam, thiền sư Thủy Nguyệt đến nhiều ngôi chùa như Côn Sơn, Nhẫm Dương (Hải Dương), Quỳnh Lâm, Yên Tử (Quảng Ninh)... để lan tỏa giáo lý. Không chỉ ở vùng Hải Dương, Quảng Ninh mà chùa Hàm Long, Hòa Giai, Trấn Quốc (Hà Nội) đều được lan tỏa giáo lý Tào Động và thuộc tông phái này. Thiền sư Thủy Nguyệt mất năm 1704, thọ 67 tuổi.


Ban thờ trong hang Thánh Hóa, theo thần tích, đây là nơi thiền sư Thủy Nguyệt - vị tổ thứ nhất Thiền phái Tào Động viên tịch

So với Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam ra đời từ thế kỷ XIII thì Thiền phái Tào Động được du nhập vào sau 4 thế kỷ (thế kỷ XVII), song thiền sư Thủy Nguyệt đã gạn lọc những tinh túy của Tào Động Trung Quốc, để Tào Động mang màu sắc văn hóa Việt. Dù không phát triển rộng rãi, song sau hàng thế kỷ du nhập về Việt Nam, trong đó có Hải Dương, Thiền phái Tào Động đã bám rễ sâu chắc vào tín ngưỡng của nhân dân bằng tư tưởng bình dị và có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.

Chùa Nhẫm Dương trong dòng chảy của Thiền phái Tào Động

Chùa Nhẫm Dương còn có tên là Thánh Quang tự. “Thánh Quang” do chùa gắn liền với sự tích “hóa thánh” kỳ lạ của thiền sư Thủy Nguyệt. Không chỉ là nơi khai sinh Thiền phái Tào Động, chùa Nhẫm Dương còn mang nhiều nét văn hóa, tâm linh kỳ bí.

Năm 2015, hội thảo "Thiền phái Tào Động Việt Nam và Quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo" đã được Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Ban Văn hóa Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Sơn môn Tào Động Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương... phối hợp tổ chức.

Các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định, chùa Nhẫm Dương là nơi thiền sư Thủy Nguyệt - thủy tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam tu hành đắc đạo vào thế kỷ XVII, XVIII. Gắn bó với Thiền phái Tào Động, chùa Nhẫm Dương và các hang động ở khu vực này còn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, cách mạng, khảo cổ, quân sự và du lịch. Trong khu vực hiện còn 16 hang lớn nhỏ nằm về phía Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc của chùa. Khu hang động Nhẫm Dương còn 8 hang, 1 khe núi còn tương đối nguyên vẹn.


Lối vào hang Thánh Hóa - nơi thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch

Là nơi thiền sư Thủy Nguyệt tu hành, chùa Nhẫm Dương còn là nơi ông "hóa thánh" nhập cõi niết bàn, gắn với địa danh hang Thánh Hóa phía sau chùa. Theo thần tích, một hôm thiền sư Thủy Nguyệt dặn môn đồ có việc lên núi Nhẫm Dương, nếu 7 ngày không thấy ông quay về, hãy đến nơi có mùi thơm mà tìm. Sau 7 ngày, các môn đồ lần theo mùi hương tìm tới hang đá phía sau chùa, thấy thiền sư ngồi trên một tảng đá, cơ thể vẫn còn ấm nhưng đã viên tịch. Từ đó, hang đá sau chùa mang tên hang Thánh Hóa. Năm thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch là năm Chính Hòa 1704, niên hiệu Hy Tông, thời Lê Trung hưng. Ngày viên tịch của thiền sư Thủy Nguyệt cũng là ngày khai hội chùa Nhẫm Dương, từ 5-7.3 âm lịch.

Tương truyền, di cốt của thiền sư Thủy Nguyệt để tại chùa Nhẫm Dương và một phần tại chùa Hạ Long, vì thế chùa Nhẫm Dương được coi là chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam.

Trong hơn 3 thế kỷ, hiện có khoảng 150 ngôi chùa trực thuộc Thiền phái Tào Động. Các ngôi chùa ở Hải Dương như Côn Sơn (Chí Linh), chùa Muống (Kim Thành), Nhẫm Dương (Kinh Môn) cũng có mối liên hệ mật thiết với Thiền phái Tào Động, mà chùa Nhẫm Dương là ví dụ tiêu biểu nhất.
Xuất hiện muộn, nhưng Thiền phái Tào Động đã hòa hợp trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam và tại Hải Dương, chùa Nhẫm Dương trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt được coi là chốn tổ của thiền phái này.

TIẾN HUY