Chú trọng nắm bắt dư luận xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:46, 13/07/2023
Hải Dương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội và tình hình nhân dân. Trong ảnh tư liệu: Một lớp tập huấn ở Hải Dương
Nắm bắt dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề nổi cộm, sự kiện có tính thời sự, đặc biệt là đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết, không để phát sinh thành các điểm nóng, bức xúc xã hội, khiếu kiện kéo dài... Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác tư tưởng ở cơ sở.
Thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở rất quan tâm đến công tác nắm bắt dư luận xã hội. Kịp thời kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội đủ về số lượng, cơ bản bảo đảm chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội đi vào nền nếp, chất lượng từng bước được nâng lên. Hình thức nắm bắt dư luận xã hội đa dạng, phong phú. Nhiều cộng tác viên dư luận xã hội làm tốt công tác nắm bắt, phản ánh nhanh, kịp thời, trung thực, đầy đủ các luồng dư luận xã hội trước các vấn đề, sự kiện có tính thời sự, đặc biệt là những bức xúc của người dân, gửi báo cáo kịp thời theo quy định.
Tuy nhiên, công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội vẫn còn những hạn chế. Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác nắm bắt dư luận xã hội. Không ít cộng tác viên chưa tích cực nắm bắt, phản ánh, báo cáo dư luận xã hội theo quy chế. Nhiều báo cáo dư luận xã hội còn chậm, sơ sài, hình thức, chất lượng thấp, chưa đưa ra được dự báo và đề xuất, kiến nghị nhằm định hướng dư luận xã hội. Công tác phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong nắm bắt dư luận xã hội có lúc chưa chặt chẽ.
Để nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt dư luận xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhất là của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở.
Cùng với đó, các cấp ủy chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội. Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo cấp trên và tình hình thực tiễn ở địa phương, cấp ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng nắm bắt và phản ánh các thông tin dư luận xã hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Chú trọng nắm bắt các luồng dư luận xã hội có liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như xử lý ô nhiễm môi trường; thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng; giải quyết việc làm và thu nhập của người dân; bảo đảm an ninh trật tự...
Đồng thời chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức nắm bắt dư luận xã hội, như nắm bắt thông tin qua mạng lưới cộng tác viên; qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo các văn kiện, văn bản quy phạm pháp luật; qua báo cáo của các địa phương; qua việc đi thực tế để nắm tình hình; qua internet và mạng xã hội...
Cấp ủy các cấp cần chỉ đạo Ban Tuyên giáo làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội; rà soát, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; thường xuyên cử cán bộ cộng tác viên dư luận xã hội đi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; làm tốt công tác phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc nắm bắt dư luận xã hội.
LÊ VĂN NGUYÊN (Cẩm Giàng)