Trang điểm có gây khô mắt?
Làm đẹp - Ngày đăng : 15:15, 12/07/2023
1. Khô mắt là gì
Khô mắt là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là trong thời đại công nghệ. Một số thống kê cho thấy khô mắt ảnh hưởng đến khoảng 5-30% dân số toàn cầu. Khô mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở người trưởng thành và người cao tuổi. Đây là tình trạng khi mắt không sản xuất đủ nước mắt hoặc không duy trì độ ẩm đủ để bảo vệ mắt.
Khi mắt bị khô, có thể xuất hiện các triệu chứng:
Cảm giác khô, đau hoặc kích ứng trong mắt.
Mắt bị cộm.
Đỏ, ngứa và sưng mắt.
Mờ mắt.
Mắt mệt mỏi sau khi làm việc trước màn hình máy tính hoặc trong môi trường khô thiếu độ ẩm.
Nguyên nhân của khô mắt có thể bao gồm:
Tuổi tác, bệnh lý, hoặc yếu tố gen di truyền.
Do tuyến Meibomian là một loại tuyến dầu nằm trong mí mắt bị tổn thương không sản xuất hoặc tiết đủ dầu để bảo vệ mắt.
Môi trường khô hạn, ô nhiễm không khí, tiếp xúc quá lâu với màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử.
Sử dụng các loại thuốc như thuốc chống dị ứng, thuốc chống viêm, thuốc trị bệnh tâm thần, hoặc ung thư.
Trang điểm không đúng cách hoặc sử dụng sản phẩm trang điểm kém chất lượng.
2. Vì sao trang điểm có thể gây khô mắt?
Những người trang điểm mắt thường xuyên có nguy cơ mắc chứng khô mắt. Điều này là do tuyến Meibomian có thể bị tổn thương trong quá trình trang điểm hoặc do việc sử dụng mỹ phẩm.
Tuyến Meibomian là một loại tuyến dầu nằm trong mí mắt. Có khoảng 50 tuyến meibomian ở mí mắt trên và ở mí mắt dưới.
Tuyến meibomian có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và bôi trơn mắt. Chúng sản xuất một dạng dầu tạo thành một lớp bảo vệ trên bề mặt mắt, giữ và duy trì độ ẩm cho mắt. Nếu tuyến Meibomian bị tắc nghẽn hoặc sản xuất dầu không đủ, có thể gây ra hiện tượng khô mắt và các vấn đề khác liên quan đến bề mặt mắt, như viêm mi mắt hoặc viêm nhiễm.
Trang điểm mắt có thể làm nhiễm bẩn mắt và ngăn chặn các ống dẫn dầu sản xuất đủ lượng dầu cho nước mắt đủ chất lượng để bôi trơn mắt. Hơn nữa không phải tất sản phẩm trang điểm cũng như dụng cụ trang điểm đều đảm bảo an toàn và vệ sinh đúng cách.
Một số loại mascara, bút kẻ mắt, hoặc bột phấn mắt có thể chứa thành phần gây kích ứng hoặc dẫn đến viêm nhiễm mắt. Các chất này có thể làm tổn thương tuyến dầu và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước mắt.
Những người sử dụng kính áp tròng thường phải sử dụng các sản phẩm trang điểm mắt đặc biệt để tạo hiệu ứng và bền màu cũng có thể gây khó khăn cho mắt trong việc duy trì độ ẩm và gây khô mắt.
3. Các biện pháp giảm khô mắt khi trang điểm
Để tránh gây khô mắt khi trang điểm mắt, có thể áp dụng các biện pháp sau:
Chọn sản phẩm trang điểm mắt không chứa chất gây kích ứng và chọn những loại sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm.
Tẩy trang mỗi tối trước khi đi ngủ. Sử dụng khăn hoặc bông tẩy trang không gây kích ứng.
Nếu sử dụng kính áp tròng, cần làm sạch và bảo quản đúng cách để tránh nhiễm khuẩn.
Luôn trang điểm bên ngoài đường viền mi và không trang điểm bên trong đường viền mi. Nên chuốt mascara từ ngọn thay vì gốc của lông mi. Không co kéo mạch mi mắt khi trang điểm.
Sử dụng dung dịch dưỡng ẩm mắt trước và sau khi trang điểm để duy trì độ ẩm.
Nếu nối mi, phải được chăm sóc và làm sạch nếu không vi khuẩn và mảnh vụn tích tụ có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.
4. Các sản phẩm trang điểm mắt cần tránh khi bị khô mắt?
Lưu ý rằng việc trang điểm không phải lúc nào cũng gây khô mắt đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc không tuân thủ các quy tắc về vệ sinh và sử dụng có thể tạo ra tác động tiêu cực đến sức khỏe mắt. Vì vậy khi lựa chọn sản phẩm trang điểm cần:
Thay mascarra ít nhất 3 tháng 1 lần, vì mascara để quá lâu có thể là nơi sinh sản của vi khuẩn. Sử dụng mascara làm dày mi thay vì làm dài mi hoặc không thấm nước, vì ít có khả năng bị khô và vón cục trong mắt.
Nên tránh các sản phẩm trang điểm mắt có dạng hạt và phấn. Mỹ phẩm trang điểm có dạng hạt nhỏ li ti, hoặc bị khô và vỡ vụn sẽ có nhiều khả năng làm tắc ống dẫn nước mắt.
Nếu gặp khó khăn hoặc triệu chứng khô mắt kéo dài sau khi trang điểm, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị phù hợp. Việc thay đổi môi trường làm việc, sử dụng kính bảo vệ, tránh tiếp xúc quá lâu với thiết bị điện tử, và tuân thủ quy trình trang điểm đúng cách cũng có thể giúp giảm khô mắt.
Theo Sức khỏe và Đời sống