Tưởng niệm những người đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ Kinh đô Huế
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:47, 11/07/2023
Lễ tế diễn ra trang nghiêm với các nghi lễ gồm: lễ quán tẩy; lễ thướng hương; lễ sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); lễ đọc chúc; lễ hành á hiến (dâng rượu lần thứ hai); lễ chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); lễ dâng trà; lễ hóa văn tế. Bàn tế có đầy đủ các bài vị của Thổ công (thần đất), Nam phụ lão ấu, binh sĩ và các lễ vật…
Đây là lễ tế truyền thống tốt đẹp của Việt Nam từng được diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn ở Huế nhằm đề cao những giá trị nhân văn, gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên nhằm tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ Kinh đô Huế năm 1885. Việc tổ chức Lễ tế nhằm đề cao nghĩa cử cao đẹp trong nhận thức, hành động cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đàn Âm hồn nằm ở số 73 đường Ông Ích Khiêm (phường Thuận Hòa, thành phố Huế), được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894 dưới triều Vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 5.7.1885 (tức ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu).
Tại Thừa Thiên - Huế, cứ vào dịp này, người dân đều tổ chức lễ cúng trang trọng tại Đàn Âm hồn, các miếu âm hồn và trên các tuyến đường, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ, cầu cho các vong hồn được siêu thoát. Trải qua nhiều năm, hoạt động mang tính nhân văn này trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh ở Cố đô.
Theo TTXVN