"Ngăn sông cấm chợ" ở vịnh Hạ Long và Lan Hạ

Du lịch - Ngày đăng : 15:10, 10/07/2023

Dù nối liền nhau, để đi từ vịnh Hạ Long sang vịnh Lan Hạ, tàu du lịch phải tốn thêm nửa ngày vì chuyện "ngăn sông cấm chợ".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gần đây yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề cử quần thể di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thế giới. Được xem như quần thể, nhưng vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ (Cát Bà) tồn tại ranh giới quản lý giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, gây khó khăn cho tàu du lịch và du khách nhiều năm qua.

Hiện các tàu chạy tuyến vịnh Lan Hạ phải neo đậu ở bến Gia Luận, thuộc Hải Phòng, bến nhỏ, thường xuyên quá tải và đi lại tương đối bất tiện. Để ra bến Gia Luận, khách phải di chuyển bằng phà Gót, nơi vào mùa hè cũng thường xuyên bị quá tải, phải chờ vài tiếng. Ngoài ra, du khách cũng chịu thêm chi phí nếu đem theo phương tiện cá nhân như ôtô qua phà.

Trong khi đó, tàu chạy tuyến vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, có thể neo đậu ở ba bến gồm "Cảng tàu khách du lịch quốc tế Tuần Châu"; "Cảng tàu quốc tế Hạ Long"; "Cảng tàu VinaShin Hòn Gai", có sức chứa lớn hơn Gia Luận.

Thời điểm dịch Covid-19, các tàu chạy tuyến Lan Hạ được cho phép neo đậu ở Hạ Long nhưng nay việc cho phép này không còn. Do đó, các chủ tàu tìm cách "đi đường vòng" bằng cách sử dụng tàu cao tốc chạy theo "luồng quốc gia" để đưa khách từ Tuần Châu ra nơi tàu chạy tuyến Lan Hạ neo đậu. Nhưng nơi tàu chạy tuyến vịnh Lan Hạ neo đậu để đón khách từ tàu cao tốc lại thuộc "điểm chồng lấn". Nhiều vụ tranh cãi giữa ban quản lý vịnh, chủ tàu các bên đã xảy ra ở đây.


Một tàu chạy tuyến Lan Hạ bị kiểm tra vì "vi phạm ranh giới"

Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch Hội Du thuyền Lan Hạ, nói ranh giới trên biển giữa hai vịnh có thể đo bằng tọa độ nhưng không "hữu hình" để nhìn bằng mắt thường. Đã nhiều lần, tàu của ông Phú cũng như tàu của các hội viên trong Hội Du thuyền Lan Hạ bị một số cán bộ bên phía vịnh Hạ Long làm khó vì "vượt ranh giới". Những tình huống này khiến các chủ tàu không biết "trả lời sao" với du khách.

"Bây giờ tôi lái xe từ Hải Phòng sang Hạ Long có bị cấm không? Nếu không, tại sao lại gây khó dễ trên biển?", ông Phú nói.

Một cán bộ thuộc ban quản lý vịnh Hạ Long nói không thể vin vào cớ "ranh giới trên biển không hữu hình". Ôtô cá nhân không bị cấm di chuyển giữa hai tỉnh nhưng các phương tiện vận chuyển khách "cần tuân theo quy định được đặt ra".

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ngủ đêm trên vịnh Hạ Long lẫn Lan Hạ, nói muốn sớm gỡ bỏ chuyện "ngăn sông cấm chợ" giữa hai vịnh. Doanh nghiệp này phải sử dụng cùng lúc hai du thuyền do đang kinh doanh sản phẩm trải nghiệm ở cả vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ và quần đảo Cát Bà.

Sau khi đưa khách tham quan, nghỉ một đêm trên vịnh Hạ Long, du thuyền sẽ quay về bến Tuần Châu. Từ đây, khách được chuyển lên một chiếc tàu cao tốc, chạy sang khu vực nơi du thuyền chạy tuyến Lan Hạ neo đậu ở vùng nước thuộc Gia Luận. Nếu không tồn tại ranh giới, thời gian để tàu từ vịnh Hạ Long sang Cát Bà chỉ mất khoảng 30 phút. Do hành trình lòng vòng, thời gian trải nghiệm của khách phải kéo dài thêm nửa ngày.

"Câu chuyện này đã nói hơn 10 năm nay", người này nói.

Nếu ranh giới này được gỡ bỏ, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị khai thác tàu du lịch 5 sao, khẳng định du khách là người được hưởng lợi nhất. Việt Nam đã nâng thời gian lưu trú đối với thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực cũng được cấp tạm trú 45 ngày, thay vì 15 ngày như trước.


Tàu neo đậu để khách ngủ đêm ở vịnh Lan Hạ, ngay ranh giới giữa hai vịnh

Theo ông Hà, song song với việc tăng thời gian lưu trú, Việt Nam cũng cần có những động thái tăng trải nghiệm cho du khách. Thay vì chỉ đi một vịnh Lan Hạ hoặc Hạ Long, khách có thể khám phá cả hai vịnh, tạo đột phá nhờ liên kết vùng.

"Tôi mong các tàu có thể xuất phát từ cả hai bến. Tàu xuất phát ở đâu, trả tiền ở đấy. Ngủ ở đâu, trả tiền ở đấy", ông Hà nói.

Ông Hà cho biết "hai tỉnh chưa tìm được tiếng nói chung" nhiều năm nay. Ngoài ra, việc quản lý nguồn thu khi thông hai tuyến này cũng là "câu chuyện khó được giải quyết". Tuy nhiên, trải nghiệm của khách hàng là điều quan trọng nhất nên bằng mọi cách phải sớm chấm dứt tình trạng "ranh giới".

Đại diện Hội Du thuyền Lan Hạ mong các tàu đi tuyến Lan Hạ có thể xuất phát từ một số bến ở Hạ Long, giúp hành trình của du khách thuận lợi hơn và giảm được chi phí khoảng 180.000 đồng mỗi người.

Theo VnExpress