Những người không nên ăn cà tím
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 19:33, 09/07/2023
Cà tím là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Cà tím tuy rẻ nhưng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được cà tím. Dưới đây là tác dụng của cà tím với sức khỏe và những người không nên ăn cà tím.
Tác dụng của cà tím với sức khỏe
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra, trong mỗi 100g cà tím chứa khoảng 3g chất xơ, 0,2g chất béo, nhóm Vitamin B1, B3, B6, B9, B5, B2, Vitamin E, Choline, Vitamin K.
Ngoài ra, cà tím còn chứa nhiều khoáng chất như Đồng, Mangan, Magie, Kali và nhóm hàm lượng ít hơn bao gồm: Kẽm, Sắt, Canxi, Phốt pho... Đặc biệt, cà tím có lượng calo thấp chỉ khoảng 24 calo trong mỗi 100g tương đương với 1,7% lượng calo cần nạp vào hàng ngày. Có thể thấy cà tím là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Cà tím là món ăn yêu thích của nhiều người, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Dưới đây là những tác dụng của cà tím với sức khỏe:
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Khi dùng 100g cà tím sẽ giúp nạp vào cơ thể khoảng 229mg Kali có công dụng hỗ trợ ổn định nhịp tim đối với những người mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, các vitamin nhóm B trong cà tím cũng có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa các bệnh về tim mạch như: suy tim, rối loạn nhịp tim, rung tâm thất,... Đồng thời, cà tím chứa ít chất béo, giàu chất xơ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa, từ đó hạn chế tích tụ mỡ thừa làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Hỗ trợ tiêu hóa
Đối với những người thường xuyên gặp tình trạng táo bón thì chắc chắn cà tím sẽ là giải pháp hiệu quả với hàm lượng chất xơ lên đến 3g trong 100g cà tím. Khi dùng thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp kích thích quá trình tiêu hóa, nhờ đó đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn để loại bỏ chất thải ra ngoài cơ thể. Đối với những người mắc táo bón nên dùng khoảng 200g cà tím trong 2 - 3 ngày để cải thiện tình trạng này.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Cà tím được khuyến cáo sử dụng với bệnh nhân đái tháo đường nhờ chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Nhờ đó, khi cơ thể dung nạp lượng chất xơ này với lượng vừa đủ sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hạn chế được tốc độ hấp thụ đường trong thức ăn.
Ngoài ra, cà tím còn chứa lượng hợp chất polyphenol có tác dụng kiểm soát lượng insulin được giải phóng, từ đó ổn định chỉ số đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Nhiều chuyên gia khuyến cáo nên đưa cà tím vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh
Một số quan niệm dân gian cho rằng mẹ bầu không nên ăn cà tím sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, trong y học hiện đại chưa tìm thấy tác hại của cà tím khi dùng trong quá trình mang thai.
Cà tím còn được khuyến cáo sử dụng ở mẹ bầu để thúc đẩy phát triển não bộ và hình thành khả năng nhận thức cho thai nhi từ trong bụng mẹ nhờ lượng folate (Vitamin B9) lớn. Bên cạnh đó, giá trị dinh dưỡng của cà tím còn giúp hạn chế nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh hoặc các bệnh bẩm sinh khác.
Những người không nên ăn cà tím
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, theo các chuyên gia Đông y, người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu gây ra tiêu chảy nặng.
Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều và thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy…
Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao - loại axit trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.
Khi chế biến cà tím không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Về cuối thu sang đông quả cà có vị hơi chát, đắng nên thiên về tính hàn hơn nên những người có thể chất hư hàn tránh ăn nhiều, nhất là người đang hay đi ngoài lỏng.
Trên đây là những người không nên ăn cà tím. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa cà tím nhé.
Theo VTC News