Đau mắt đỏ có thể để lại sẹo
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 09/07/2023
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là hiện tượng lòng trắng của mắt chuyển màu hồng hoặc đỏ
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là hiện tượng lòng trắng của mắt chuyển màu hồng hoặc đỏ, do 3 nguyên nhân chính: Dị ứng, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
Theo tiến sĩ James Kelly, Trung tâm Nhãn khoa Kelly (Mỹ), nguyên nhân gây đau mắt đỏ phổ biến nhất là virus adeno. Một số tác nhân gây đau mắt đỏ ít phổ biến hơn là vi khuẩn và nấm.
Trong một số trường hợp ít phổ biến hơn, đau mắt đỏ có thể xuất hiện do dị vật trong mắt, chất kích thích bên ngoài, bệnh tự miễn dịch hoặc tắc tuyến lệ.
"Đau mắt đỏ phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trong mùa hè", tiến sĩ Kelly nói.
Theo chuyên gia này, các triệu chứng điển hình của bệnh đau mắt đỏ gồm đỏ, sưng, chảy nước mắt, tiết dịch, đóng vảy và nóng rát. Một số người cũng có thể bị mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và ngứa ngáy.
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị. Một số người có thể mất 2-3 tuần để khỏi bệnh hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nặng, đau mắt đỏ có thể dẫn đến mô sẹo vĩnh viễn nếu không được điều trị. Do đó, tiến sĩ Kelly khuyến khích mọi người đi khám để nhanh khỏi bệnh và tránh gặp phải biến chứng.
Đau mắt đỏ có thể điều trị bằng nước mắt nhân tạo và thuốc kháng sinh. Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid được kê đơn tùy thuộc vào các đặc điểm lâm sàng.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh. Đau mắt đỏ do virus chỉ có thể điều trị bằng thuốc nhỏ mắt do không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Các trường hợp mắc bệnh do dị ứng có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt không kê đơn hoặc theo toa.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan giữa người với người. Theo tiến sĩ Kelly, vệ sinh đúng cách là phương pháp quan trọng ngăn ngừa sự lây lan và tái phát bệnh.
Theo Cleveland Clinic, đau mắt đỏ do vi khuẩn bắt đầu lây lan trong 24-48 giờ kể từ khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu mắc bệnh do virus, đau mắt đỏ có thể lây truyền trong thời gian xuất hiện triệu chứng, thậm chí trước đó.
Ngược lại với 2 loại đau mắt đỏ trên, bệnh nhân bị viêm kết mạc do dị ứng sẽ không thể lây bệnh cho người khác.
“Việc dùng chung các vật dụng cá nhân như vỏ gối, khăn tắm và đồ trang điểm có thể khiến bệnh lây lan. Do đó, tôi khuyến cáo mọi người nên hạn chế sử dụng chung đồ”, tiến sĩ Kelly nói.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo virus và vi khuẩn có thể tồn tại trên các bề mặt xung quanh người bệnh. Do đó, cách tốt nhất để không mắc bệnh là hạn chế tiếp xúc với người khác khi đang bị đau mắt đỏ.
Rửa tay đúng cách cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan, đặc biệt là sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Kelly, một số người dễ bị viêm kết mạc hơn, đặc biệt là những người sử dụng kính áp tròng hoặc những người có hệ thống miễn dịch yếu.
Theo Zing