Hải Dương có 2 người được công nhận là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:37, 06/07/2023

Ông Bùi Mạnh Cường ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) và bà Nguyễn Thị Bình ở phường Minh Tân (Kinh Môn) vừa được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023". 


Anh Bùi Mạnh Cường được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 (Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Hải Dương)

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Tự hào nông dân Việt Nam đã ký quyết định trao tặng danh hiệu 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023. Hải Dương có 2 nông dân vinh dự đạt danh hiệu này.

Đó là ông Bùi Mạnh Cường (sinh năm 1973) ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng). Từ năm 1999, gia đình ông Cường bắt đầu tạo lập khu chăn nuôi. Hiện gia đình có 300 con lợn nái ngoại, hằng năm sản xuất trên 3.000 con lợn giống chất lượng cao. Mỗi năm ông nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt thương phẩm, cung ứng ra thị trường khoảng 300 tấn lợn thương phẩm.


Mô hình chăn nuôi lợn thịt của anh Bùi Mạnh Cường (Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Hải Dương)

Ông Cường còn có khu chuồng rộng 15.000 m2 nuôi lợn theo công nghệ thông minh, hiện đại của Hà Lan. Quy mô nuôi 1.500 con lợn nái; sản xuất trên 15.000 lợn giống chất lượng cao, cung ứng khoảng 3.000 tấn thịt lợn thương phẩm ra thị trường mỗi năm.

Ông Cường còn vận động các hộ nông dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Đông Xanh với 7 thành viên, canh tác trên 6 ha, trồng măng tây và nho theo quy trình an toàn. Ông mở dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi với quy mô 1.000 tấn/năm. 


Mô hình trồng nho trong nhà lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Đông Xanh 

Với mô hình tổng hợp đó, từ năm 2020-2022, tổng doanh thu của gia đình ông Cường đạt trên 10 tỷ đồng, thu lãi từ 1,1-1,7 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, ông Cường tạo việc làm cho từ 30 - 40 lao động thường xuyên, mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ...

Người thứ hai được vinh danh là bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1962) ở phường Minh Tân (Kinh Môn), chủ trang trại nuôi đà điểu đầu tiên của Hải Dương.

Sau khi tham quan, học hỏi, bà Bình đã lập dự án đầu tư nuôi đà điểu Ostrich sinh sản và thương phẩm theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Cuối năm 2009, bà mua 60 con đà điểu sinh sản và 200 con giống nuôi thương phẩm, chăn nuôi trên diện tích 10 ha.


Trang trại nuôi đà điểu quy mô 800 con của bà Nguyễn Thị Bình ở phường Minh Tân (Kinh Môn)

Đến nay, trang trại có 800 con, trong đó có trên 300 con đà điểu đang trong độ tuổi sinh sản, 500 con để khai thác thịt thương phẩm. Hằng năm, trang trại cung cấp ra thị trường trên 1.000 con giống; trên 2.000 trứng và khoảng 5 tấn thịt thương phẩm. Bên cạnh đó, trang trại còn bán lông đà điểu làm các sản phẩm thủ công và sản xuất các sản phẩm từ thịt đà điểu như xúc xích, giò… Doanh thu của trang trại từ năm 2020-2022 đạt từ 6,6-9,5 tỷ đồng, lãi từ 1,3- 3 tỷ đồng/năm. 

Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ.

Bà Bình còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hằng năm, gia đình bà giúp đỡ từ 20-30 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm… để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn, phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật cách nuôi và chăm sóc đà điểu cho từ 20-30 hộ trong, ngoài địa phương. Vào các dịp lễ, Tết, bà Bình trao tặng từ 40-50 suất quà trị giá trên 50 triệu đồng cho các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn...

Đến nay, Hải Dương có 13 người được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

PV