Đã cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 15:09, 06/07/2023
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối
Phát biểu tại hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” tổ chức sáng 6.7, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP; trong đó, chú trọng 4 nhóm giải pháp trọng tâm.
Đó là cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tiếp đến là tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và triển khai hiệu quả Cổng Thông tin Một cửa Quốc gia.
Cùng với đó, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; đảm bảo không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cuối cùng là chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Về cải cách điều kiện kinh doanh, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, giai đoạn 2016-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành đã rà soát tổng thể. Hầu hết các nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định quy định về điều kiện kinh doanh) để cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh. Đây là con số hết sức tích cực.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết kết quả rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực. Kết quả rà soát cho thấy chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được cải thiện.
Cụ thể, điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi; số lượng điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đã giảm đáng kể so với trước năm 2017; điều kiện kinh doanh về nhân sự, cơ sở vật chất cũng được quy định rõ và giảm mức độ đáp ứng điều kiện; các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh đã được cắt giảm đáng kể và các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực..., từ đó, tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng có dấu hiệu chững lại; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn thắt chặt hơn.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan.
Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ năm 2014, danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề. Sau đó, danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020).
Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng và bao trùm hơn. Thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo danh mục của Luật Đầu tư 2020.
Ngoài ra, có một số ngành nghề được quy định tại pháp luật chuyên ngành nhưng không thống nhất với tên quy định tại Luật Đầu tư 2020; một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề hiện Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh; một số ngành nghề không có trong danh mục nhưng vẫn ban hành điều kiện kinh doanh; một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi danh mục của Luật Đầu tư 2020 nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành. Mặt khác, vẫn có sự không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh cũng cho thấy vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định. Điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức nhưng số lượng điều kiện kinh doanh có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.
Đại diện CIEM cũng cho hay một số khó khăn nổi bật khác cũng được nhận diện, như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép hay việc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép...
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Sản xuất hàng may xuất khẩu
Để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, CIEM cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023.
Cùng với đó, CIEM kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Tại hội thảo, đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng Chính phủ khôi phục chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc sửa đổi các quy định pháp lý về điều kiện kinh doanh; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.
Theo TTXVN