Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong xác định giá đất
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:32, 06/07/2023
Gần 500 đại biểu tham dự hội nghị tập huấn công tác xác định giá đất do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Ảnh tư liệu
Quy định cũ về thẩm quyền quyết định giá đất được xem là điểm không thành công trong gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền như có quyền giao đất, cho thuê đất, có quyền thu hồi đất, có quyền quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất… Điều này khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất, dẫn tới phản ứng gay gắt từ phía nhiều người bị thu hồi đất. Thời gian qua, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60% các khiếu nại của người dân) do giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.
Thành phần của hội đồng thẩm định giá phần lớn là đại diện của các cơ quan, tổ chức công, chỉ có một số ít cơ quan có hiểu biết chuyên sâu về xác định giá đất. Thông thường, nguyên tắc chung của các hội đồng là làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Với cơ cấu và thành phần nêu trên liệu có bảo đảm được tính độc lập của hội đồng thẩm định giá hay không là câu hỏi được thực tế đặt ra?
Từ ngày 6.5.2023, Nghị quyết 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể của Chính phủ có hiệu lực. Nghị định này được thực hiện đến khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, UBND cấp huyện được thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Bởi khi UBND cấp huyện là đơn vị đưa ra quyết định thẩm định, đưa ra giá đất, chủ trì đền bù về giải phóng mặt bằng sẽ gần dân, sát dân, lắng nghe được tiếng nói từ phía người dân nhiều hơn.
Tại Hải Dương, ngay sau khi Nghị quyết số 73/NQ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 22.5.2023 ủy quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong một số trường hợp để phát huy tính chủ động của các địa phương, đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất. UBND tỉnh đã giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính có văn bản hướng dẫn về công tác định giá đất giúp đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giá đất tại cấp huyện, xã thực hiện tốt nhiệm vụ được ủy quyền. UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác xác định giá đất cho gần 500 cán bộ là lãnh đạo, chuyên viên của một số sở, ngành, địa phương; đại diện các phòng, ban dự kiến trong hội đồng thẩm định đất cấp huyện, cán bộ địa chính cấp xã.
Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản khẳng định việc xác định giá đất đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý đất đai. Việc định giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường sẽ có tác dụng lớn trong việc bảo đảm nguồn thu cho Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội. Việc định giá đúng giá trị bất động sản, đặc biệt là đất đai sẽ tạo động lực cho việc phân bổ đất đai một cách hợp lý và hiệu quả.
Dư luận kỳ vọng thời gian tới việc xác định giá đất sẽ sát hơn, khắc phục được tình trạng khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.
KIM THANH