Cổ kính đình Cao Xá
Di tích - Ngày đăng : 07:32, 05/07/2023
Đình Cao Xá thờ ba vị thành hoàng làng giúp vua Hùng đánh giặc
Đình Cao Xá thờ ba vị thành hoàng làng là Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh. Thần tích còn ghi dưới triều vua Hùng Vương thứ VI, có gia đình ông Phan Tiệp cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phúc, quê ở xã Bảo Tháp có nghề làm thuốc đến sinh sống tại chùa thôn Cao Xá. Ông bà là người đức độ, nhân từ, có lòng thương người, trong tay lại có nghề làm thuốc nên mỗi khi dân làng có ai yếu đau đều được ông bà cứu chữa. Trong thời gian lưu lại Cao Xá, ông bà sinh được 3 người con trai, đặt tên là Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh. Các con lớn lên được ông bà cho theo học Ngô Tiên Sinh ở làng Nhữ Thị. Các ông học hành chăm chỉ, tôn sư trọng đạo nên được thầy quý, bạn mến.
Đất nước có giặc xâm lăng, vua cho sứ giả đi khắp thiên hạ kén chọn người tài giúp nước đánh giặc. Từ biệt cha mẹ, làng xóm, 3 anh em lên đường ra trận. 3 anh em chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công và được phong thưởng. Trong quá trình chiến đấu, hai ông Phan Chí và Phan Khí đã hy sinh nơi chiến trường. Sau khi toàn thắng, ông Phan Minh trở về Cao Xá, phụng dưỡng cha mẹ già và mất tại đây. Để truy tặng công lao của 3 ông, triều đình đã có sắc chỉ tấn phong ông Phan Chí là Đệ nhất chí công, quản lĩnh tả đạo đại tướng quân dũng khí hầu; ông Phan Khí là Đệ nhị chí công, quản lĩnh hữu đạo đại tướng quân kinh khí cầu; ông Phan Minh là Đệ tam minh công, đề giám sát hậu quân thông minh hầu. Giao cho 3 làng là Cao Xá, Nhữ Thị và An Đông lập đình thờ.
Đình Cao Xá giữ nét cổ kính, rêu phong
Đình Cao Xá là một trong 3 nơi phụng thờ các ông được khởi dựng từ khoảng thế kỷ XVII. Lúc đầu đình nhỏ, đến thời Nguyễn được tôn tạo lại to đẹp với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt đã làm hư hại nhiều hạng mục. Hiện tại, đình còn 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.
Tòa tiền tế gồm 5 gian kiến trúc kiểu chồng giường đấu sen gồm 6 vì kèo. Cột gỗ lim to có đường kính trung bình 42cm. Phần chạm khắc được thể hiện ở 4 vì kèo chính với những nét chạm trổ rất phong phú như long, phượng, tùng, hạc, sen. Trên các đầu dư đỡ cấu kiện đều được chạm trổ nhiều hình hoa lá lộng lẫy. Đặc biệt có bức cốn chạm cảnh hội hè của làng quê, một dòng sông uốn khúc có cây cầu nhỏ vắt qua và dưới sông là con thuyền đang hối hả ngược dòng về nơi thấp thoáng bóng cờ hội.
Ba gian hậu cung được nối với tiền tế bằng một khoảng sân hẹp. Cửa chính toàn hậu cung là cửa ván lùa. Kiến trúc tòa hậu có chạm khắc ở các đầu bẩy phía ngoài. Gian chính giữa có đặt ban thờ, trên có 3 cỗ ngai thờ 3 vị thành hoàng.
Các nét chạm trổ độc đáo, phong phú
Cổ vật của đình Cao Xá còn có một bộ bát biểu, một bát hương đồng cao 41 cm cùng với 6 đạo sắc phong thời Thành Thái và Khải Định. Đình Cao Xá là một di tích lịch sử quan trọng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Năm 1950, gần 500 thanh niên của Hải Dương đã vượt qua nhiều tháp canh, đồn bốt về tập trung tại đình Cao Xá để lên đường nhập ngũ, xây dựng trung đoàn công binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trung đoàn đã lập nhiều thành tích xuất sắc.
Đình Cao Xá đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Theo ông Nguyễn Văn Trịnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cao Xá, từ năm 2001 đến nay, đình đã trải qua 2 lần trùng tu, tôn tạo. Trong đó giai đoạn 2001-2008 đã được tu bổ với kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Từ năm 2015 đến nay đã sửa chữa một số hạng mục như làm tường bao với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng, hằng năm, nhân dân mở hội vào ngày 9 và 10 tháng giêng.
HUYỀN TRANG