Hiệu quả triển khai phần mềm quản lý tín dụng chính sách tại Kinh Môn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 03/07/2023

Sau 6 tháng triển khai, Kinh Môn được đánh giá là địa phương triển khai phần mềm quản lý tín dụng chính sách tốt nhất tỉnh.

Với phần mềm quản lý tín dụng chính sách, quy trình, thời gian thu nợ lãi các khoản vay chính sách được rút ngắn

Tại nhà bà Trần Thị Bài ở khu dân cư Sơn Khê, phường Thái Thịnh (Kinh Môn), sau chừng vài phút thao tác trên phần mềm quản lý tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Tem, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu dân cư Sơn Khê đã rà soát xong khoản tiền lãi phải trả cho cả 2 khoản vay của nhà bà Bài. 

Theo bà Tem, trước khi triển khai phần mềm, việc nắm bắt thông tin, nhất là việc quản lý dư nợ các khoản vay tín dụng chính sách phụ thuộc chủ yếu vào các bản kê theo mẫu của ngân hàng. “Trước đây, việc thực hiện thu nợ gốc lãi hằng tháng mất khá nhiều thời gian, vừa để cộng số tiền vừa để đối chiếu, thậm chí không tránh khỏi đôi lần sai sót. Với phần mềm này, chúng tôi chỉ việc nhập thông tin hộ vay, hệ thống sẽ tự động cộng số tiền phải trả, chính xác đến từng đồng”, bà Tem nhận xét.

Về phía hộ dân, bà Bài cho biết: “Thường thì số tiền lãi phải trả cho các khoản vay không tròn. Do đó khi có phần mềm, số tiền phải trả được hệ thống tính toán chính xác. Hộ vay như chúng tôi cũng như tổ tiết kiệm và vay vốn chỉ cần căn cứ vào đó để nộp và thu tiền, rất nhanh chóng và thuận lợi”. 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương phấn đấu hết năm 2023 có ít nhất 50% số tổ tiết kiệm và vay vốn thành thạo phần mềm, hết năm 2024 đạt ít nhất 70%

Phần mềm kết nối đến các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo thuận lợi để điều hành, quản lý công việc. Những phát sinh nợ quá hạn, lãi cộng dồn, các tổ trưởng kiểm tra trên hệ thống để chủ động vận động hội viên chuẩn bị tiền kịp trả đúng hạn, hoặc có kế hoạch tiếp tục vay vốn phát triển. Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các tổ tiết kiệm và vay vốn, phần mềm nói trên đã giúp các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cho vay tín dụng chính sách quản lý hiệu quả khoản vay của từng hộ dân. “Tất cả đều được hiển thị trên phần mềm từ thông tin hộ vay, khoản vay, thời gian vay, số tiền phải trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn… Nhờ đó chúng tôi có thể quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên để có phương án xử lý đối với những khoản vay có dấu hiệu quá hạn”, bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thái Thịnh chia sẻ.

Phần mềm quản lý tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương triển khai thí điểm từ tháng 10.2021 tại Phòng giao dịch Nam Sách. Đến tháng 11.2022, phần mềm này được triển khai rộng rãi trên toàn hệ thống tín dụng chính sách trong tỉnh. 

Vượt qua những khó khăn bước đầu khi tiếp cận công nghệ, đến nay 225 trong tổng số 268 tổ tiết kiệm và vay vốn của Phòng giao dịch thị xã Kinh Môn đã ứng dụng nhuần nhuyễn phần mềm này, đạt tỷ lệ gần 84%, cao nhất tỉnh. “Không chỉ tổ chức tập huấn ngay sau khi cấp trên ban hành văn bản triển khai, để tạo thuận lợi trong ứng dụng phần mềm, chúng tôi đã viết nội dung quy trình thực hiện đối với các nghiệp vụ từ thu lãi, tiền gửi tiết kiệm đến chuyển khoản trả nợ gốc để gửi các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đối với những cá nhân gặp khó khăn, thông qua nhóm Zalo hoặc cuộc gọi hình ảnh, cán bộ của Phòng giao dịch thị xã Kinh Môn sẽ hướng dẫn từng bước cho đến khi thuần thục”, ông Phạm Bá Cường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Kinh Môn thông tin.

Phần mềm quản lý tín dụng chính sách được cài đặt trên thiết bị di động thông minh, có 2 chức năng chính. Dành cho thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, cán bộ ngoại ngành, cán bộ nhận ủy thác, cán bộ ngân hàng, tổ tiết kiệm và vay vốn khai thác thông tin, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chức năng còn lại dành cho tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện thu lãi. Ở phạm vi toàn tỉnh, đã có hơn 400 trong tổng số 2.839 tổ tiết kiệm và vay vốn đã ứng dụng thành thạo phần mềm, tương đương hơn 14%. Theo ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương, không ít tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn tuổi tác đã cao, không quen dùng phần mềm trên điện thoại di động thông minh nên thao tác còn chậm. 

Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thành thạo phần mềm ở phạm vi toàn tỉnh còn thấp. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong triển khai phần mềm để hướng dẫn hiệu quả hơn. Qua đó phấn đấu hết năm 2023, toàn tỉnh có 50% số tổ tiết kiệm và vay vốn thành thạo phần mềm, hết năm 2024 đạt ít nhất 70%”, ông Hùng cho biết.

HÀ KIÊN