Sức sống của phong trào vệ sinh yêu nước
Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 11:20, 01/07/2023
Con cháu cụ Vương Thị Khe vẫn giữ gìn giếng nước khơi Bác Hồ từng về thăm năm xưa
Nhớ lời Bác dạy
Xã Nam Chính (Nam Sách) - một địa phương ở Hải Dương từng vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu về thăm. Trục đường trung tâm xã và các tuyến giao thông dẫn về các thôn ở đây đều thênh thang, rộng mở, hai bên trồng nhiều cây xanh, hoa tươi... Không nhiều địa phương có cảnh vật phong quang, đẹp đẽ như ở Nam Chính.
Hơn nửa thế kỷ trước, Nam Chính từng là xã có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Ngày 15.2.1965, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi này vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác ân cần thăm hỏi đời sống nhân dân, xem các công trình vệ sinh như giếng nước, nhà tắm, chuồng chăn nuôi lợn… của bà con và căn dặn: "Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá". Bác mong Hải Dương có nhiều xã như Nam Chính.
Gia đình cụ Vương Thị Khe ở thôn An Thường vẫn còn lưu giữ giếng nước từ ngày vinh dự Bác Hồ đến thăm. Mùa hè nước luôn đầy ắp, trong mát. Cùng với nước máy, các con cháu của cụ Khe vẫn sử dụng nước giếng khơi phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Giếng nước này đã trở thành bảo vật, được các thế hệ con cháu của cụ Khe gìn giữ. Cụ Vương Thị Trịnh (80 tuổi, con dâu cụ Khe) chia sẻ: “Mẹ chồng tôi kể khi vào thăm giếng nước này, Bác rất vui vì thấy nước trong, sạch, mát mẻ. Bác căn dặn mọi người phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Bao năm nay, chúng tôi đều khắc ghi lời dạy của Người. Nhà cửa, sân, vườn lúc nào cũng sạch sẽ, phong quang”.
Ông Vương Thừa Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Chính cho biết lời dạy của Bác cách đây 58 năm vẫn đang được các thế hệ cán bộ và nhân dân trong xã ghi nhớ. Mỗi tháng 2 lần, nhân dân trong xã ra quân tổng vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh. Người người, nhà nhà có ý thức bảo vệ môi trường, không để việc sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi làm ảnh hưởng tới môi trường. Xã, thôn đều cử cán bộ duy trì việc kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực…
Rất nhiều mô hình tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường đã và đang được tuổi trẻ ở Hải Dương duy trì (ảnh: Hữu Hùng)
Mỗi cán bộ, nhân dân Nam Sách là những người đi đầu thực hiện lời căn dặn của Người về vệ sinh môi trường. Hiếm nơi nào như ở Nam Sách, các đồng chí lãnh đạo huyện từng nhiều lần tham gia tổng vệ sinh môi trường với nhân dân. Tại Hải Dương, Nam Sách đang là địa phương đi đầu trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 13 về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Huyện chọn việc nâng cao tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là công việc đột phá của năm. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nghị quyết, quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp. Các bãi chôn lấp rác thải tập trung phải đóng cửa, tổ chức san gạt để trồng cỏ và cây xanh. Huyện cho xây dựng một loạt các bể để ủ rác hữu cơ, riêng rác vô cơ được chuyển đến nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). Môi trường từ đó cải thiện rõ rệt. “Làm theo lời Bác dạy, mỗi cán bộ, người dân Nam Sách đã và đang coi việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là một nét đẹp văn hoá của người dân trong huyện”, đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nói.
Lan toả
Không chỉ riêng huyện Nam Sách, sức sống của phong trào “vệ sinh yêu nước” còn được các thế hệ cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh Hải Dương duy trì và bồi đắp từ quá khứ đến hiện tại, làm cho lan toả.
Không chỉ đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường cho nhân dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh còn phát động nhiều phong trào, cuộc vận động bảo vệ môi trường; phối hợp mở rộng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Nhiều mô hình vệ sinh môi trường nông thôn hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trở thành hoạt động trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Anh Nguyễn Hồng Sáng, Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương cho biết tham gia bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tuổi trẻ trong toàn tỉnh. Rất nhiều mô hình, phong trào, cuộc vận động liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả. “Chúng tôi đang duy trì 336 đội hình thanh niên tình nguyện về bảo vệ môi trường trong toàn tỉnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tuổi trẻ Hải Dương đã ra quân vệ sinh 785 km đường làng, ngõ xóm, thu dọn hơn 52 tấn rác thải, khơi thông hàng chục km kênh mương, trồng gần 208.000 cây xanh các loại… Đó là những việc làm thiết thực, được thực hiện thường xuyên như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn”, anh Sáng thông tin.
Phụ nữ huyện Tứ Kỳ thu gom vỏ lọ, chai nhựa đựng thuốc trừ sâu ngoài đồng ruộng (ảnh: Hữu Hùng)
Uỷ ban MTTQ các cấp tại Hải Dương đang duy trì hàng nghìn mô hình thôn, khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều phong trào, mô hình liên quan đến phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân cũng được các tổ chức thành viên của mặt trận từ tỉnh đến cơ sở xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả. Đơn cử như Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ đã thành lập 45 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, 3 mô hình điểm “Nông dân thu gom phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, xây dựng 13 mô hình “Cánh đồng không tác thải”…
Không thể kể hết những hoạt động thiết thực mà các cấp, các ngành, địa phương ở Hải Dương đã triển khai để hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước. Nhưng có thể khẳng định, những hoạt động này đã và đang góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, góp phần xây dựng một xã hội khoẻ mạnh, làm nền tảng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đại phương.
TIẾN MẠNH