Đợt nắng nóng mới, miền Bắc có thiếu điện?
Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 30/06/2023
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Bắc sẽ có đợt nắng nóng từ 30.6 đến 3.7 với nền nhiệt cao nhất 35-37 độ C. Các tỉnh Trung Bộ có nền nhiệt 35-38 độ C trong khoảng 10 ngày (từ 30.6-10.7).
Nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc sau chuỗi ngày giảm nhờ thời tiết mát mẻ, sẽ tăng trở lại. Theo dự báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nhu cầu sử dụng điện (phụ tải) tại miền Bắc đến ngày 6.7 trung bình khoảng 445 triệu kWh một ngày, trong đó ngày cao nhất có thể lên tới trên 465 triệu kWh. Đến 20.7, nhu cầu dùng điện giảm về 421-426 triệu kWh một ngày.
Cơ quan điều độ cho biết, hệ thống điện miền Bắc vẫn có thể đáp ứng được giai đoạn nắng nóng từ 30.6 đến 6.7 nhờ lượng nước tích tại các hồ thời gian qua tăng và khu vực bước vào giai đoạn chính vụ lũ.
"Dự báo tình hình thiếu, cắt điện luân phiên như cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ không lặp lại", đại diện Cục Điều tiết điện lực nói, nhưng vẫn khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm để tránh áp lực trong tình huống bất lợi.
Công nhân EVN Hanoi sửa chữa sự cố đường dây trong đợt cao điểm nóng đầu tháng 6.2023. Ảnh: EVNHN
Những ngày qua lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện, nhất là khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng. Đến sáng 30.6, nước tại các hồ vượt mực nước chết (ngưỡng phát điện an toàn) 9-26,5 m (trừ hồ Thác Bà cao hơn mực nước chết 1,55 m).
Lưu lượng nước về hồ phía Bắc hầu hết trên 500 m3/s, như Lai Châu đạt 499 m3/s; Sơn La 834 m3/s; Hòa Bình 616 m3/s; riêng Thác Bà chỉ đạt 120 m3/s. Thủy điện khai thác ở mức hạn chế để dự phòng cho đợt nắng nóng tới.
Tuy nhiên, để đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt những ngày tới, A0 cho hay sẽ tăng khai thác từ thủy điện Lai Châu, khoảng 10-14 triệu kWh một ngày, để nâng mức hồ Sơn La. Cùng đó, cơ quan này cũng tăng khai thác thủy điện Tuyên Quang, 4-5 triệu một ngày, để thêm nguồn cung cho hệ thống điện.
Tuần trước, EVN cũng cho biết, miền Bắc "cơ bản đủ điện" từ 23.6. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng, nên EVN cho biết, vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan, như sự cố các nguồn điện lớn khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... dẫn tới phải cắt điện ngắn hạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Các nhà máy điện than ở miền Bắc hiện được cung ứng đủ than cho sản xuất điện, nhiều đơn vị có lượng tồn kho hơn 1 tháng. Song vẫn có một số nhà máy chỉ đủ than tồn dưới 5 ngày sản xuất.
Từ cuối tháng 5, Hà Nội và nhiều địa phương tại miền Bắc trải qua những ngày thiếu điện do nhu cầu sử dụng tăng vọt mùa nắng nóng. Thủy điện, một trong hai nguồn cung chính cho miền Bắc, sụt giảm huy động vì hạn hán. Một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố kéo dài, với công suất không huy động được khoảng 2.100 MW.
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng bình quân 10% một năm, tương đương 2.400-2.900 MW.
Nhưng các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong 2024 và 2025 lần lượt 780 MW và 1.620 MW, tức chỉ bằng 30-50% nhu cầu dùng điện tăng thêm tại phía Bắc. Do đó, EVN cho rằng, cung ứng điện cho miền Bắc tới 2025 vẫn gặp khó khăn, nhất là giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.
EVN cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tập đoàn này cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.
Theo VnExpress