Làm gì để bảo mật dữ liệu số hóa?

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 15:00, 01/07/2023

Thực hiện Đề án 06, các cấp, ngành ở Hải Dương đang đẩy mạnh số hóa dữ liệu. Do đó, công tác bảo mật, an toàn, an ninh thông tin cần được chú trọng.


Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương chủ trì, phối hợp tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2023. Ảnh: Hà Kiên

Nhiều nguy cơ

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), thời gian qua, số lượng tội phạm mạng tấn công mã độc nhằm phá hoại, đánh cắp dữ liệu có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cũ, lạc hậu. Một số trang thiết bị, phần mềm đã hết khấu hao sử dụng, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, không được hỗ trợ cập nhật dẫn đến mất an toàn thông tin. Một số cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Quy định, quy trình về công tác bảo đảm an toàn thông tin của một số đơn vị còn thiếu hoặc sơ sài, chưa được triển khai đầy đủ, nghiêm túc.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương, liên quan đến Đề án 06, ngành đang thực hiện một số nhiệm vụ như dùng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, cấp giấy khám sức khỏe trực tuyến phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến nhưng hiện nay hệ thống hạ tầng thông tin của các cơ sở y tế còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên môn phụ trách. Việc quản lý, xử lý các vấn đề liên quan đến dữ liệu số, công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn. 

Đây cũng là tình trạng chung mà nhiều cơ quan, đơn vị gặp phải. Do thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ, kinh nghiệm nên việc số hóa, xử lý thông tin lúng túng, dễ gây lộ lọt, thất thoát dữ liệu của cơ quan, đơn vị cũng như của người dân.

Anh Hoàng Quốc Hưng ở phố Quang Liệt (TP Hải Dương) chia sẻ: "Hiện nay, hầu hết thông tin, giấy tờ của cá nhân, gia đình được số hóa, đẩy lên hệ thống như căn cước công dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy tờ đất, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế... Nếu không được bảo mật, an toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân".


Hiện nay, nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn băn khoăn về việc bảo mật thông tin cá nhân

Cùng với đó, hầu hết các cấp, ngành thiếu trang thiết bị bảo đảm yêu cầu bảo mật, lưu trữ thông tin. Sở Tư pháp đang đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu hộ tịch để đẩy lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đội ngũ công chức tư pháp cấp xã trong thời gian làm việc có thể vừa giải quyết công việc ở máy vi tính tại bộ phận "một cửa", vừa trên máy vi tính cá nhân, nếu không cẩn thận dễ gây lộ lọt thông tin hoặc bị kẻ gian lợi dụng.

Bảo đảm an toàn theo từng cấp độ

Trước yêu cầu bảo mật thông tin cao, trong quá trình triển khai Đề án 06, UBND, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ này và giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp thực hiện. Sở này có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng đủ mạnh để kịp thời theo dõi, phối hợp xử lý, khắc phục sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

Là đơn vị đang quản lý dữ liệu số rất lớn của công dân, thời gian qua, Công an tỉnh Hải Dương quan tâm thực hiện nhiệm vụ bảo mật thông tin. Công an tỉnh đã triển khai đường truyền riêng, nội bộ tới tận cấp xã, có hệ thống giám sát tập trung. Các thiết bị đưa vào sử dụng đều đã kiểm tra an toàn thông tin, dán tem kiểm định, hệ thống máy vi tính được cài đặt các phần mềm bảo mật, mã hoá theo quy định. Cùng với đó, thành lập Tổ kiểm tra an ninh mạng, an toàn thông tin thực hiện Đề án 06 định kỳ 3 tháng một lần đối với toàn bộ 235 cơ quan công an cấp xã.

Để bảo mật thông tin, theo anh Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định và triển khai phương án theo từng cấp độ thông tin; tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện từ sớm, từ xa những sự cố về an toàn thông tin để kịp thời ứng cứu, khắc phục.

DANH TRUNG