Nhiều cái khó ở Bệnh viện Phong Hải Dương
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 03/07/2023
Khu phòng điều trị bệnh nhân đã xuống cấp từ lâu
Chưa có chức năng, nhiệm vụ
Tháng 3.2023, Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Sở Y tế. Tại buổi làm việc, tôi rất bất ngờ khi nghe bác sĩ Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bệnh viện Phong Hải Dương nêu một vấn đề là sau hàng chục năm hoạt động đơn vị này hiện vẫn chưa ban hành được chức năng, nhiệm vụ, gây ra nhiều khó khăn.
Qua nghe báo cáo, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm tìm cách tháo gỡ vướng mắc này để Bệnh viện Phong Hải Dương yên tâm hoạt động.
Tôi đến Bệnh viện Phong Hải Dương ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh) vào ngày 20.6 vừa qua. Bác sĩ Cương cho biết khó khăn trên đã được tỉnh quan tâm giải quyết nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả. Trước đó, bệnh viện đã phối hợp để xây dựng đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tham mưu với Sở Y tế báo cáo UBND tỉnh và trình Bộ Y tế xem xét phê duyệt. “Tháng trước, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế có trả lời là theo quy định, họ không thể phê duyệt chức năng, nhiệm vụ cho Bệnh viện Phong mà chỉ có thể phê duyệt chức năng, nhiệm vụ cho Bệnh viện Phong – Da liễu. Vụ đề nghị tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn để ban hành chức năng, nhiệm vụ cho bệnh viện chúng tôi”, bác sĩ Cương thông tin.
Toàn quốc có hơn 10 Bệnh viện Phong - Da liễu và chỉ có 2 Bệnh viện Phong ở Hải Dương và Hà Nam. Một số bệnh viện này hiện vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, số khác đã sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội của tỉnh song vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ được quy định từ trước. Bệnh viện Phong Hà Nam đã ban hành được chức năng, nhiệm vụ từ lâu.
Phòng ở của bệnh nhân rất nóng nực, ẩm thấp
Khu điều trị phong tỉnh Hải Hưng (sau là Hải Dương) thành lập năm 1969. Năm 2005, khu điều trị chuyển thành bệnh viện chuyên khoa theo quyết định của UBND tỉnh với 6 khoa, phòng. Trong quyết định, UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ tiếp tục ban hành chức năng, nhiệm vụ cho Bệnh viện Phong. Tuy nhiên gần 20 năm qua, việc này chưa thực hiện được. Nhiệm vụ của bệnh viện chỉ đơn thuần là điều trị, chăm sóc, phục hồi cho bệnh nhân phong nội trú; khám, phát hiện bệnh nhân phong mới.
Bác sĩ Cương cho biết nếu ban hành được chức năng, nhiệm vụ như trong đề án đã xây dựng thì tại bệnh viện sẽ có phòng chỉ đạo tuyến. Khi đó, bệnh viện có thể dễ dàng triển khai các hoạt động khám, tư vấn cho bệnh nhân tại cộng đồng. “Ngoài 96 trường hợp đang điều trị nội trú thì toàn tỉnh còn gần 150 bệnh nhân phong trong cộng đồng chưa được quản lý. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của bệnh viện. Họ chưa được quan tâm, chăm sóc đúng cách, chưa được hưởng chế độ Nhà nước quy định dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nếu chức năng, nhiệm vụ được mở rộng, chúng tôi sẽ có thể xuống từng địa phương để triển khai các hoạt động khám, tư vấn kịp thời”, bác sĩ Cương nói.
Việc chưa có chức năng, nhiệm vụ cụ thể khiến Bệnh viện Phong Hải Dương rất khó triển khai dịch vụ khám sàng lọc, áp dụng các kỹ thuật mới trong chữa bệnh và phục hồi cho bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc không thu hút được bệnh nhân mới, thu nhập thêm của các nhân viên y tế cũng không có, tâm lý, tinh thần thực hiện nhiệm vụ bị ảnh hưởng. Chị Trần Thị Dung, Điều dưỡng trưởng Khoa Lâm sàng bệnh viện cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất bấp bênh. Cứ đà này không biết liệu những năm tới bệnh viện còn tồn tại hay không?”.
Đa số bệnh nhân phong bị cùn mòn tay chân cần tới sự chăm sóc toàn diện của nhân viên y tế
Thiếu người, cơ sở vật chất xuống cấp
Bác sĩ Cương dẫn tôi đi thăm khu điều trị nội trú bệnh nhân phong rộng gần 14 ha. Cơ sở hạ tầng các khoa, phòng làm việc của nhân viên y tế, phòng bệnh nhân ở đây cũ kỹ, lạc hậu, xuống cấp từ lâu. Trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân đã cũ.
Bệnh nhân Trần Văn Vẻ (65 tuổi, quê Kinh Môn) vào đây điều trị đã 41 năm. Căn phòng nơi ông đang ở chật chội, vừa nóng bức, vừa ẩm thấp. Tường phòng lâu ngày đã bong tróc, mái bị dột. “Nghe nói khu phòng bệnh nhân sắp được tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa. Chúng tôi vui mừng lắm và mong tỉnh sớm triển khai để cuộc sống bệnh nhân đỡ phần nào vất vả”, ông Vẻ nói.
Các nhân viên y tế ở đây thông tin, mặc dù lượng bệnh nhân đã giảm so với trước kia nhưng việc chăm sóc ngày càng vất vả hơn. Bệnh nhân hiện tại đa số tuổi cao, khoảng 60-70% bị cùn mòn chân tay, cần tới sự chăm sóc toàn diện. Trừ số cán bộ, bộ phận hành chính thì bệnh viện chỉ còn khoảng 30 nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ Cương lo lắng khi 2 năm nay, bệnh viện không có nhân viên y tế về nộp đơn xin việc. 5 năm tới, số lượng nhân viên nghỉ hưu không ít.
Nhân lực ít, bệnh nhân cần sự chăm sóc toàn diện nên công việc của các nhân viên y tế ở Bệnh viện Phong Hải Dương rất vất vả. Họ ít khi được nghỉ ngơi và phải làm thêm giờ. “Chăm sóc bệnh nhân phong vất vả, áp lực hơn nhiều người tưởng tượng. Tôi nghĩ nếu không vì trách nhiệm và tình thương yêu đối với người bệnh thì nhiều người nghỉ việc rồi. Ngoài đồng lương, trực làm ngoài giờ thì chúng tôi không có thu nhập thêm, không có chế độ đặc thù riêng, thiệt thòi lắm”, chị Nguyễn Thị Oanh, hộ lý Khoa Lâm sàng thông tin.
Rất nhiều vị trí tường bao xung quanh khu điều trị Bệnh viện Phong Hải Dương hiện đã đổ nát. Kinh phí hạn hẹp, bệnh viện chỉ có thể mua dây thép gai chăng tạm. Hệ thống đường điện qua khu điều trị dài nửa cây số 40 năm nay chưa được cải tạo khiến ai cũng lo lắng mỗi khi có mưa to, gió giật...
TIẾN MẠNH