Đề nghị giao 1.415 lao động hợp đồng ngành giáo dục, y tế năm 2023
Tin tức - Ngày đăng : 20:47, 29/06/2023
Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bùi Học Anh phát biểu kết luận nội dung làm việc với Sở Nội vụ Hải Dương
Sáng 29.6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với các sở có liên quan về một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVII.
Sở Nội vụ đề nghị giao số lao động hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 1.415 người.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh (thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương) góp ý định mức phân bổ kinh phí bảo đảm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Dự kiến quy mô các trường mầm non và phổ thông công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023-2024 tăng 85 lớp so với năm học 2022-2023. Số biên chế còn thiếu so với nhu cầu thực tế theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của năm học 2023-2024 là 2.448 người. Do đó, Sở Nội vụ đề xuất số lượng lao động hợp đồng giao năm 2023 là 1.394 người, gồm cấp THCS là 589 người, cấp mầm non 416 người, cấp tiểu học 357 người, THPT 5 người, trường liên cấp tiểu học và THCS 27 người. Về kinh phí thực hiện, ngân sách tỉnh cấp bổ sung từ năm học 2023-2024, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12.2023. Khi ổn định năm học mới và chốt số học sinh của năm học theo các bậc học, UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh giao số hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế năm 2024 cho các đơn vị sự nghiệp thuộc nhóm 4.
Đối với ngành y tế, Bệnh viện Phong Chí Linh, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm, Trung tâm Pháp y được đề nghị giao 21 lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế. Kinh phí dự kiến cấp bổ sung cho các đơn vị năm 2023 là gần 23,5 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến cấp bổ sung cho 3 đơn vị y tế năm 2023 là gần 354 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở Tài chính Hải Dương phát biểu làm rõ một số nội dung
Ban Pháp chế cũng làm việc với Sở Tài chính về việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo dự thảo, định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều.
Cụ thể, đối với văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc thay thế như nghị quyết của HĐND tỉnh được phân bổ 30 triệu đồng/dự thảo, cấp huyện là 15 triệu đồng/dự thảo, cấp xã là 10 triệu đồng/dự thảo. Quyết định của UBND tỉnh là 20 triệu đồng/dự thảo, cấp huyện là 10 triệu đồng/dự thảo, cấp xã là 8 triệu đồng/dự thảo. Đối với văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều được phân bổ thấp hơn. Kinh phí cho hoạt động thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng được đề nghị quy định cụ thể (bao gồm cả kinh phí họp, nhận xét, báo cáo và các công việc khác liên quan đến công tác thẩm định). Nguồn kinh phí kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp hiện hành.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
PHONG TUYẾT