Làm mới sản phẩm du lịch Hải Dương

Du lịch - Ngày đăng : 11:07, 29/06/2023

Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách đã và đang mang lại cho Hải Dương kết quả tích cực trong phát triển du lịch bền vững.


Thưởng thức trà sen đền Kiếp Bạc trở thành nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Trường

Việc xây dựng sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách đã và đang mang lại cho Hải Dương kết quả tích cực trong phát triển du lịch bền vững.

Luôn mới

Tuyến phố đi bộ, chợ đêm ở TP Hải Dương chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 4.2023 đã thổi một luồng gió mới, tác động tích cực vào hoạt động du lịch vốn còn nghèo nàn sản phẩm của TP Hải Dương.

Vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần (trừ khi trời mưa không thể tổ chức), trên tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, biểu diễn nghệ thuật đường phố, trải nghiệm trò chơi dân gian, điểm đọc sách và nhiều hoạt động khác được giới trẻ yêu thích… thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách tham gia. Sau gần 2 tháng tổ chức, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên được làm mới khiến nhiều du khách thích thú.

Anh Lưu Sỹ Nguyên đến từ TP Thái Nguyên cho biết: “Tôi đi thăm họ hàng ở TP Hải Dương, biết được thông tin thành phố mới tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm nên đã đến trải nghiệm. Tôi thấy các tuyến phố trong khu vực được trang trí đèn chiếu sáng rất đẹp, nhiều hoạt động thú vị cùng với các món ẩm thực đa dạng, rất nhộn nhịp, đông vui”.

Không chỉ có TP Hải Dương, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ khi đến tham quan, chiêm bái. Những hoạt động trải nghiệm ngoài trời đã và đang góp phần giữ chân du khách ở lại lâu hơn như cắm trại dã ngoại (tham gia các trò chơi dân gian), leo núi khám phá động Thanh Hư, Bàn cờ tiên, Ngũ Nhạc linh từ, check-in tại hồ sen Kiếp Bạc… Bên cạnh đó, việc tổ chức thưởng thức các sản phẩm ẩm thực từ sen như: trà sen, bánh sen, rượu sen hay trà hoa cúc Côn Sơn… cũng đang từng bước được chuyên nghiệp hóa, góp phần làm phong phú, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách gần xa, qua đó tạo thương hiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và nâng tầm giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Hải Dương còn có những địa điểm được đầu tư với nhiều sản phẩm du lịch mới rất thu hút như: tham quan, trải nghiệm Bảo tàng tỉnh, chèo thuyền hái vải ở Đồng Mẩn (Thanh Hà), tham quan Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam và trải nghiệm homestay kết hợp với làm bánh đa tại làng nghề Hội Yên (Thanh Miện). Ngay cả địa phương hiếm có hoạt động du lịch như huyện Tứ Kỳ thì nay cũng đưa vào hoạt động trải nghiệm bắt rươi cáy, thu hoạch lúa hữu cơ (xã An Thanh) và ghé thăm làng nghề thêu ren Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo)…


Hoạt động văn hóa, văn nghệ tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng (TP Hải Dương) luôn được đổi mới, cuốn hút người xem. Ảnh: Thành Chung

Nâng cao chất lượng

Khu trải nghiệm tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sau một thời gian đi vào hoạt động đã và đang trở thành một sản phẩm mới được du khách lựa chọn khi tới tham quan, chiêm bái. Hiện nay, ngoài việc hoàn thiện và đưa thêm các hoạt động mới, các trò chơi dân gian phục vụ du khách, Ban Quản lý khu di tích cũng dự kiến cải tạo và mở rộng diện tích khu trải nghiệm lên tới 5.000 m2, cải tạo để suối Côn Sơn có nước chảy quanh năm. Không chỉ vậy, năm 2023, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tập trung hoàn thiện, nâng cấp chất lượng và bao bì các sản phẩm từ sen, từ hoa cúc...

“Chúng tôi đang được UBND tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đề án này sẽ là căn cứ quan trọng để thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch, hướng đến phát triển Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia” - ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chia sẻ.

Theo báo cáo của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh ước đón và phục vụ khoảng 920.000 lượt khách, tăng 2,43 lần so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch đạt 391,1 tỷ đồng, tăng gần 2,72 lần so với năm 2022. Đó là những con số mang tín hiệu tích cực trong việc phục hồi ngành du lịch kể từ sau đại dịch Covid-19, trong đó không thể không kể đến những tác động từ các sản phẩm du lịch mới mà các địa phương, khu, điểm du lịch, di tích mang lại. 

Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian gần đây, theo định hướng của tỉnh, của ngành, các địa phương, khu, điểm di tích đã chủ động xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới phong phú, tạo sức hút cho du lịch Hải Dương. Tới đây, ngành và các địa phương, đơn vị sẽ thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của khách để xây dựng chương trình, tour tuyến phù hợp; kết nối giữa các doanh nghiệp, các địa phương, các điểm đến và cơ quan quản lý nhà nước để liên tục làm mới, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch có chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xu hướng từng thời điểm. 

TRƯỜNG THÀNH